Sữa bột giả nguy hiểm cho người dùng tới mức nào?

Sữa bột giả nguy hiểm cho người dùng tới mức nào?
2 ngày trướcBài gốc
“Doanh nghiệp tự công bố thành phần trong sữa bột giả, rồi quảng cáo sai sự thật qua mạng, người nổi tiếng, livestream… Đây là kẽ hở lớn để thương nhân gian dối, lách luật”, đó là chia sẻ của dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam với phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam.
PV: Theo ông, việc các sản phẩm sữa bột giả công bố thành phần cao cấp như tổ yến, đông trùng hạ thảo nhưng thực tế không có, sẽ gây ra những hệ lụy gì cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ?
Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng: Việc các sản phẩm sữa bột công bố thành phần cao cấp như tổ yến, đông trùng hạ thảo nhưng thực tế không hề chứa những chất này là hành vi gian dối nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy nguy hiểm cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ – đối tượng đang trong giai đoạn phát triển cần dinh dưỡng đầy đủ.
Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam
Phụ huynh tin rằng con mình đang được bổ sung những dưỡng chất quý nên có thể bỏ qua những lựa chọn khác thực sự hiệu quả. Trong khi đó, sản phẩm không đạt chất lượng sẽ không cung cấp đủ vi chất, đạm, khoáng chất cần thiết, khiến trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng tiềm ẩn, chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Người bệnh sử dụng các loại sữa không đúng như công bố nhưng được quảng cáo hỗ trợ điều trị hoặc phục hồi sức khỏe sẽ làm mất cơ hội chữa bệnh.
Việc công bố sai thành phần dẫn đến mất niềm tin vào thị trường thực phẩm và các sản phẩm bổ sung, khiến người tiêu dùng hoang mang, khó phân biệt thật – giả. Về nguyên tắc, thực phẩm dinh dưỡng không được quảng cáo hỗ trợ cho tiểu đường, hỗ trợ cho xương khớp.
Ở nhiều quốc gia, bất kỳ loại sữa, thực phẩm hay đồ uống nào cũng không được phép quảng cáo có tác dụng chữa bệnh, dù là gián tiếp. Việc khẳng định một loại sữa có thể “giảm đường huyết”, “hỗ trợ xương khớp” hay “tăng chiều cao vượt trội” đều bị coi là vi phạm nghiêm trọng, vì dễ khiến người tiêu dùng ngộ nhận và thay thế điều trị y tế bằng thực phẩm.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, quy định về vấn đề này vẫn còn lỏng lẻo, thiếu chế tài cụ thể hoặc xử lý chưa đủ sức răn đe. Đây chính là lỗ hổng để nhiều doanh nghiệp lợi dụng quảng cáo sai sự thật, đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt là với các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi và bệnh nhân mãn tính.
PV: Thưa ông, từ góc độ chuyên môn, khi các chỉ tiêu dinh dưỡng trong sữa bột chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, điều đó có thể ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người dùng về lâu dài?
Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng: Khi hàm lượng dinh dưỡng trong sữa bột chỉ đạt dưới 70% so với công bố, sản phẩm bị coi là kém chất lượng và không đủ điều kiện lưu thông. Theo nguyên tắc chuyên môn, nhà sản xuất phải thu hồi và tiêu hủy lô hàng.
Thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài có thể ảnh hưởng sức khỏe người dùng, đặc biệt là nhóm dễ tổn thương như trẻ em, người bệnh. Khi các chỉ tiêu dinh dưỡng trong sữa bột chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng vì bị thiếu hàm lượng. Song về lâu dài ảnh hưởng cụ thể như thế nào chưa ai đánh giá được. Nhưng chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng.
Đã có quy định công bố đầy đủ các thành phần trong sản phẩm, nhưng thực tế, Bộ Y tế chủ yếu mới chỉ dừng lại ở quản lý về tiêu chuẩn vi sinh, độc tố, kim loại nặng… Còn tiêu chuẩn về hàm lượng các chất cụ thể có trong sản phẩm và phương pháp kiểm nghiệm kèm theo chưa bắt buộc nên gây khó khăn cho công tác quản lý.
Vì vậy, chất lượng thực bên trong sản phẩm – như có hay không thành phần tổ yến, đông trùng hạ thảo – hiện vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Các vi chất này không bắt buộc phải ghi rõ trong tiêu chuẩn công bố, cũng không cần nêu phương pháp thử nghiệm, nên doanh nghiệp có thể công bố tùy ý mà không bị ràng buộc kiểm định cụ thể.
Doanh nghiệp tự công bố thành phần, không cần nêu rõ tiêu chuẩn hay phương pháp kiểm nghiệm, rồi quảng cáo sai sự thật qua mạng, người nổi tiếng, livestream… Đây là kẽ hở lớn để thương nhân gian dối, lách luật.
PV: Với những trẻ đang bị ốm, suy dinh dưỡng hoặc còi cọc, người già, bệnh tật, vốn cần nguồn dinh dưỡng chất lượng cao để phục hồi và phát triển thì việc sử dụng sữa giả sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và quá trình điều trị, thưa ông?
Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng: Sữa không đủ dinh dưỡng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt với người già, người bệnh, trẻ nhỏ – những đối tượng cần phục hồi thể trạng. Đặc biệt, yến sào là một loại thực phẩm có giá trị cao vì chứa hàm lượng protein chất lượng tốt. Tổ yến chứa 18 axit amin, trong đó có 9 loại thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được. Những chất này khó bổ sung đủ qua ăn uống thông thường, nên nếu sữa ghi chứa tổ yến nhưng thực chất không có, người dùng sẽ mất cơ hội phục hồi dinh dưỡng đúng cách.
Tuy nhiên, do giá thành rất đắt, tổ yến có thể lên đến 40–50 triệu đồng mỗi kg. Vì vậy, nhiều nhà sản xuất hoặc chỉ cho vào với lượng rất nhỏ, hoặc thậm chí không cho vào chút nào, nhưng vẫn quảng cáo rầm rộ là “có tổ yến” để đánh lừa người tiêu dùng.
Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người tiêu dùng là người đang bệnh, người già yếu hoặc trẻ sơ sinh sinh non, thiếu tháng – những đối tượng rất cần được bổ sung dinh dưỡng đúng cách. Họ tin tưởng sản phẩm có thành phần quý như tổ yến để hỗ trợ sức khỏe, nhưng thực chất không nhận được giá trị dinh dưỡng tương xứng, thậm chí bị mất đi cơ hội chăm sóc và phục hồi kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Ánh Phương/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/thi-truong/sua-bot-gia-nguy-hiem-cho-nguoi-dung-toi-muc-nao-post1192710.vov