Mọi ngả đường đều tắc
Những ngày qua, việc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) sửa chữa khe co giãn cầu Long Thành, hướng Đồng Nai đi TP.HCM đã khiến tuyến cao tốc huyết mạch này ùn tắc nghiêm trọng, đẩy nhiều tài xế vào tình thế "dở khóc dở cười".
Lượng phương tiện trên cao tốc đoạn qua Đồng Nai ùn tắc kéo dài
Anh Nguyễn Văn Sơn, một tài xế xe dịch vụ, cho biết quãng đường từ Đồng Nai về TP.HCM vốn chỉ mất khoảng 1,5 đến 2 tiếng nay đội lên thành 6 tiếng. Tình trạng xe nhích từng chút một không chỉ gây mệt mỏi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công việc.
"Do di chuyển lâu, nhiều khi chở khách mà khách không hài lòng. Nhưng mà cũng phải chịu vì đường cao tốc đang sửa chữa nên phải chấp nhận. Tôi sẽ kiếm tuyến đường nào tốt hơn để đi công việc cho khách lên TP.HCM được đúng giờ hơn", anh Sơn nói.
Lượng phương tiện (ô tô) chờ qua phà biển Vũng Tàu - Cần Giờ sáng 22/7.
Để thoát khỏi cảnh kẹt xe hàng giờ, nhiều người đã chủ động tìm các lộ trình thay thế, chấp nhận chi phí phát sinh. Ghi nhận tại bến phà biển Vũng Tàu – Cần Giờ vào sáng 22/7, lượng phương tiện đông hơn thường lệ.
Anh Trần Thanh Phong, ngụ TP.HCM, chia sẻ anh đã chọn đi phà biển để tránh kẹt xe và kết hợp cho gia đình trải nghiệm du lịch Cần Giờ.
"Thật ra tôi rất ghét kẹt xe, ngồi trên xe hàng giờ rất bực bội. Sáng nay về lại TP.HCM nhưng chưa biết lên đó (cao tốc – PV) có kẹt xe hay không nên tôi chọn đi đường phà biển. Đi hướng này sẵn cho gia đình và các con qua đảo Khỉ ở Cần Giờ chơi và né được cao tốc. Việc đi phà biển tôi chấp nhận tăng phí đi lại", anh Phong cho biết.
Sự dịch chuyển này đã tạo áp lực lớn lên các tuyến phà. Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) xác nhận lượng phương tiện qua phà đã tăng, đặc biệt vào cuối tuần (tăng khoảng 5 – 6 chuyến so với ngày thường).
Phà Cát Lái đông đúc thời gian qua do các phương tiện đổ dồn về đây
Tình hình tại phà Cát Lái (nối TP.HCM và Đồng Nai) còn căng thẳng hơn. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong, cho biết lượng ô tô qua phà đã tăng gấp đôi ngày thường, lên đến 6.000 lượt/ngày, cao hơn cả các dịp lễ. Đơn vị đã phải hoạt động hết công suất để giải tỏa.
"7 phà lớn chạy liên tục hết công suất 24/24h, còn xe là chạy, khi nào hết xe chúng tôi mới nghỉ. Đơn vị cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) của TP.HCM và Đồng Nai để hỗ trợ phân luồng bên ngoài vì tình trạng kẹt cũng kéo dài, có khi 2 – 3km chủ yếu phía Đồng Nai", ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết.
Cam kết thực hiện vượt tiến độ
Trước tình hình giao thông phức tạp, chủ đầu tư đang chạy đua với thời gian để sớm trả lại sự thông thoáng cho tuyến đường.
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết việc sửa chữa là yêu cầu khẩn cấp để đảm bảo an toàn và mong người dân thông cảm.
Để đẩy nhanh tiến độ, VEC đã yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị, sử dụng vữa đông kết nhanh để thi công liên tục.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
"Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu huy động đủ nhân lực, thi công 3 ca 4 kíp, tăng cường thêm thiết bị, thêm máy đục bê tông, sử dụng vữa đạt cường độ nhanh trong vòng hai ngày để sớm hoàn thành, cho phép thông xe sớm", ông Đặng Hữu Vị nói.
Dự kiến, việc sửa chữa sẽ hoàn thành sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch. Trong thời gian thi công, VEC đang phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông (C08) để điều tiết, phân luồng từ xa.
Lực lượng CSGT cũng khuyến nghị các tài xế nên thường xuyên cập nhật tình hình qua VOV Giao thông và các kênh truyền thông để có lộ trình di chuyển phù hợp.
Lộ trình thay thế để tránh kẹt xe trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
1: Từ Vũng Tàu, Long Thành đi TP.HCM:
Lộ trình 1: Các phương tiện di chuyển lên đường cao tốc Bến Lức - Long Thành => đường Trường Chinh => đường Trần Phú (đường 319) => Tôn Đức Thắng => hướng về phà Cát Lái (xe ô tô con và xe khách dưới 16 chỗ ngồi).
Lộ trình 2: Các phương tiện di chuyển trên đường Quốc lộ 51 => đường Tôn Đức Thắng => hướng về phà Cát Lái (xe ô tô con và xe khách dưới 16 chỗ).
Lộ trình 3: Các phương tiện di chuyển trên đường Quốc lộ 51 hướng về đường Quốc lộ 1 (Cầu Đồng Nai), đối với các phương tiện chở khách trên 16 chỗ và phương tiện vận tải hàng hóa lớn.
2. Từ Phan Thiết đi TP.HCM:
Lộ trình 1: Các phương tiện đi đường Quốc lộ 1A (từ Phan Thiết => TP.HCM)
Lộ trình 2: Các phương tiện đi vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đến Nút giao Quốc lộ 56 (Km84) ra đường Quốc lộ 1 về TP.HCM
Lộ trình 3: Các phương tiện đi vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây => cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây => ra hướng Dầu Giây để đi Quốc lộ 1 về TP.HCM.
Các lộ trình sẽ phải tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ huy giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Nhóm PV/VOV-TP.HCM