Sở Công Thương cho biết, hiện TP.HCM có 232 chợ với hơn 152 chợ dân sinh được cải tạo, sửa chữa trong giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên, với đặc thù đa số các chợ dân sinh tại Thành phố đã xây dựng lâu năm (phần lớn từ trước năm 1975) nên đã xuống cấp, thiếu mỹ quan, không đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, và thiếu bãi đỗ xe có quy mô lớn. Điều này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của chợ dân sinh.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại và thương mại điện tử đã khiến thị phần của chợ dân sinh có phần bị thu hẹp. Cùng với đó, hoạt động của chợ còn đang gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ các điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ.
Dù vậy, chợ vẫn là nơi đáp ứng chủ yếu nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân, nhất là đối với mặt hàng nhu yếu phẩm và thực phẩm thiết yếu. Đồng thời, chợ dân sinh còn là nơi quảng bá sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở ra các cơ hội phát triển sản phẩm gắn với việc thu hút khách tham quan, mua sắm trong và ngoài nước.
Chợ vẫn là nơi đáp ứng chủ yếu nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân, nhất là đối với mặt hàng nhu yếu phẩm và thực phẩm thiết yếu
Trước vấn đề trên, Sở Công thương đánh giá cần thiết phải có những thay đổi đối với hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố để duy trì hoạt động và nâng chất lượng theo xu hướng hiện đại. Trong đó, việc tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng chợ là một trong các giải pháp có tác động tích cực giúp duy trì hoạt động chợ và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại chợ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt
Do đó, Sở Công thương đề xuất nhiều giải pháp để nâng chất lượng các chợ dân sinh, trong đó chú trọng thực hiện một số vấn đề.
Cụ thể, Thành phố cần rà soát lại quỹ đất để bố trí địa điểm đối với các trường hợp xây dựng mới chợ dân sinh. Việc đầu tư cải tạo, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, bảo đảm thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán tại chợ.
Mặt khác, tập trung quan tâm đầu tư, nâng cấp, khắc phục tình hình cơ sở vật chất các chợ dân sinh đang xuống cấp, đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy... để phục vụ nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, TP.HCM cần tích cực triển khai công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong công tác đầu tư, xây dựng chợ dân sinh trên địa bàn. Tập trung giải tỏa các điểm kinh doanh tự phát không để tái phát sinh và phát sinh mới nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Nguyễn An