Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm

Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm
một ngày trướcBài gốc
Nêu quan điểm về những nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, các đại biểu Quốc hội và người dân đều bày tỏ đồng tình bởi đáp ứng yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo về lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân trong tình hình mới.
Điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn
Từng đi công tác ở nhiều trại giam, tôi gặp hàng trăm phạm nhân phạm các tội về ma túy, trong đó nhiều người vận chuyển trái phép chất ma túy đang là bị án tử hình. Rất nhiều, thậm chí có thể nói đa số họ là đồng bào dân tộc, nghèo, ít học, hiểu biết pháp luật hạn chế. Vì vậy, khi được kẻ xấu thuê vận chuyển hàng, họ đã nhắm mắt làm liều. Lợi nhuận những người này thu được rất ít, thậm chí không đáng bao nhiêu, chỉ vài chục triệu, thậm chí vài triệu cho mỗi lần vận chuyển “cái chết trắng” và phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Đến khi bị bắt, bị kết án, họ mới hiểu ra cái giá quá lớn của mình.
Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), sáng 20/5.
Nhớ lại lần đi công tác ở tỉnh Lai Châu, tôi xót xa khi chứng kiến người vợ trẻ đến thăm chồng là bị án tử hình tại trại tạm giam. Cô vợ trẻ, người chồng cũng rất trẻ, mới cưới nhau chưa được 2 năm và có đứa con hơn 1 tuổi. Trước khi vợ sinh con, Lò Văn Tắng - tên người chồng - đi làm rẫy thì được một người ở dưới xuôi nhờ vác “hàng” và trả cho 200.000 tiền công. Đang cần tiền mua sắm đồ cho đứa con sắp sinh, Tắng đồng ý. Lần thứ nhất trót lọt nhưng mấy tháng sau, Tắng bị bắt bởi những kẻ chủ mưu, cầm đầu khai ra Tắng là người đã vận chuyển 5 bánh heroin được ngụy trang trong những bao thóc. Tắng cùng 3 đối tượng chủ mưu bị kết án tử hình. Thế là, đứa con sinh ra không được nhìn mặt bố, Tắng chôn vùi cuộc đời sau cánh cửa trại giam, còn vợ Tắng - cũng sẽ phải sống cả cuộc đời trong buồn đau, khổ sở.
Nói về điều này, rất nhiều lần lãnh đạo Bộ Công an đã nhấn mạnh rằng, kẻ phạm tội, đặc biệt là nhóm đối tượng chủ mưu, cầm đầu chắc chắn sẽ phải xử lý nghiêm theo pháp luật, nhưng pháp luật cũng nhân đạo, khoan hồng đối với những kẻ vô ý, những kẻ không được hưởng lợi, những kẻ phạm tội do thiếu hiểu biết. Phần lớn nhân thân của người vận chuyển trái phép chất ma túy là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, trình độ thấp, phạm tội lần đầu, bị rủ rê, lôi kéo mà không phải là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, hưởng lợi số tiền ít ỏi. Chính vì vậy, Bộ Công an đã đề xuất, bỏ hình phạt tử hình, thay vào đó là hình phạt chung thân không giảm án đối với nhóm đối tượng vận chuyển ma túy thuê để đảm bảo tính nhân đạo, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh bày tỏ quan điểm ủng hộ việc bỏ án tử hình với 8 tội danh, đặc biệt là với án vận chuyển trái phép ma túy. Ông dẫn chứng, qua giám sát thực tiễn vào năm 2023 thì 83% số người bị kết án tử hình là án ma túy. Như ở Lào Cai là 97% trong số 110 đối tượng bị kết án tử hình là do tội danh này. Trong khi đó, số lượng thi hành án tử hình, là rất chậm, chỉ khoảng 1% mỗi năm. Do đó, ông đánh giá cao việc chuyển án tử hình thành chung thân không xét ân giảm thì đối tượng chính là những người bị kết án tử hình do tội vận chuyển ma túy, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng cao biên giới.
Việc chuyển hình phạt tử hình sang chung thân không xét ân giảm là hợp lý, thể hiện tính chất nhân đạo của Nhà nước, đồng thời giảm tải trại giam của Bộ Công an. "Theo số liệu chúng tôi nắm được thì còn khoảng trên 1.000 đối tượng bị kết án tử hình thiếu buồng giam. Các trại giam thì quá tải" đại biểu Quốc hội Sùng Lềnh nói và cho rằng, việc bỏ hình phạt tử hình cũng sẽ giảm áp lực, khó khăn cho lực lượng Công an trong quản lý trại giam bởi vì các đối tượng bị kết án tử hình rồi luôn có tư tưởng "không còn gì để mất", tư tưởng rất phức tạp, tiêu cực, thậm chí tấn công lực lượng quản lý trại giam.
Cùng đó, việc bỏ hình phạt tử hình cũng sẽ giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước. "Theo thông tin chúng tôi nắm được, kết án tử hình 1 đối tượng, thi hành án 1 đối tượng chi phí khoảng 250-500 triệu, nếu chúng ta kết án tử hình hàng nghìn, vài nghìn thì gánh nặng ngân sách rất lớn, thậm chí hàng nghìn tỉ", ông nhắc lại.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam thi hành lệnh tạm giam đối tượng tham ô tài sản.
Đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật
Nói về việc Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8/18 tội danh và phần lớn nhân thân của người vận chuyển trái phép chất ma túy là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, trình độ thấp, phạm tội lần đầu, bị rủ rê, lôi kéo mà không phải là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, hưởng lợi với số tiền ít và không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Nam Đồng, TP Hà Nội cho rằng, quy định này vô cùng nhân văn, nhân đạo. Chị cho biết, “Những người bị ung thư, HIV là đã cầm chắc cái chết rồi, Nhà nước tha chết cho họ để họ chết theo quy luật tự nhiên là rất nhân văn, người sống cũng thấy đỡ tủi”.
Nhất trí với việc cần thiết giảm án tử hình, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Trần Đức Thuận cho rằng, việc bổ sung hình phạt “tù chung thân không xét giảm án” tại Điều 39a là hình phạt nhân đạo hơn tử hình nhưng vẫn bảo đảm tính răn đe, vì giữ người phạm tội trong trại giam, ngăn ngừa tái phạm, tránh kết thúc mạng sống như tử hình. Trường hợp có oan sai, hình phạt tù vĩnh viễn vẫn có thể khắc phục hậu quả như bồi thường, minh oan, trả tự do. “Phù hợp với xu hướng giảm án tử hình trên thế giới, xu hướng pháp lý tiến bộ và các cam kết quốc tế, nhiều quốc gia đã thay thế tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Điều này cũng phù hợp với Công ước quốc tế về quyền con người, quyền sống và quyền tái hòa nhập xã hội” - ông nhấn mạnh.
Còn đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, giảm hình phạt tử hình là xu thế nhân đạo hóa trong tư pháp hình sự hiện đại, phù hợp với quyền sống - quyền cơ bản nhất của con người được quy định trong Điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên. Đại biểu cho biết, trên thế giới, Pháp, Canada đã bãi bỏ án tử hình lần lượt vào năm 1981 và 1976, đồng thời thay thế bằng hình phạt tù chung thân. Tuy nhiên, các quốc gia này quy định rất rõ các trường hợp không được ân xá hoặc không được xét giảm án trong 20-30 năm nhằm duy trì tính răn đe.
Trung Quốc, nước có tỷ lệ thi hành án tử hình cao nhất thế giới, từ năm 2011 đã loại bỏ án tử hình đối với nhiều tội danh kinh tế và tăng điều kiện khắt khe trong xét xử hình phạt này, cho phép hoãn tử hình và chuyển sang tù chung thân không giảm án nếu người phạm tội cải tạo tốt. “Cần quy định rõ tiêu chí chuyển từ tử hình sang tù chung thân không giảm án, kèm theo các điều kiện áp dụng nghiêm ngặt” - đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị.
Từng là Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Vì an ninh Tổ quốc, Bộ Công an cho rằng, việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với 8/18 tội danh hiện có khung hình phạt tử hình là phù hợp trong điều kiện, bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng, đây là hướng đi đúng, góp phần thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người.
Đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm
Theo Bộ Công an, một trong những điểm tiến bộ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần này là thực hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự, tuy nhiên, vẫn đảm bảo tính răn đe và nghiêm khắc cần thiết. Chẳng hạn, việc không thi hành án đối với những người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự, đồng thời góp phần giảm thiểu các thủ tục tố tụng không cần thiết đối với những người không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, giúp tiết kiệm chi phí và giảm áp lực cho cơ quan thi hành án. Những tội danh được bỏ hình phạt tử hình sẽ được thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, một mặt đảm bảo quyền được sống của con người, một mặt vẫn đảm bảo cách ly vĩnh viễn họ khỏi đời sống xã hội.
Cán bộ Công an hướng dẫn người dân tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID.
Các yếu tố tích cực khi bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này là hướng tới hệ thống pháp luật hình sự nhân đạo hơn, phù hợp quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về giảm hình phạt tử hình; phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam; bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự đối với các hành vi tương ứng đang được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên tham gia cơ bản các điều ước quốc tế về nhân quyền, đặc biệt là Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Công ước khẳng định, đối với các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình thì chỉ áp dụng đối với các tội ác nghiêm trọng nhất.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh (trên tổng số 18 tội danh có hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bao gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421). Bên cạnh đó, dự án luật bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở các tội bỏ hình phạt tử hình. Bổ sung quy định không thi hành án tử hình trong các trường hợp người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu.
Việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh nêu trên nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hẹp hình phạt tử hình. Trong đó, Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định chủ trương "Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng"; do đó, việc tiếp tục nghiên cứu thu hẹp, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình là tiếp tục thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng từ trước đến nay.
Phương Thủy
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/sua-doi-bo-luat-hinh-su-quyet-liet-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-i769505/