Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế: Nâng cao tính tuân thủ và hài lòng của người nộp thuế

Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế: Nâng cao tính tuân thủ và hài lòng của người nộp thuế
2 giờ trướcBài gốc
Cán bộ thuế hướng dẫn doanh nghiệp khai nộp thuế. Ảnh tư liệu
PV: Việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Quản lý thuế lần này được xem có nhiều đổi mới, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Ông nhận định thế nào về định hướng sửa đổi tại dự thảo luật?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ năm 2020 đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thực tế cho thấy, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng doanh nghiệp và đối tượng nộp thuế tăng nhanh. Cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp (DN), khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Hơn thế nữa, việc bổ sung, sửa đổi Luật Quản lý thuế lần này để hoàn thiện quy định về tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.
PV: Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm hiện nay là bổ sung, sửa đổi với việc quản lý thu thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT); quy định kê khai thuế thay người nộp thuế đối với các hoạt động kinh doanh giao dịch TMĐT. Ông có thể phân tích rõ hơn sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung này?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Tại Khoản 4, Điều 42 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định về nguyên tắc kê khai tính thuế, đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì “nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.
Sửa đổi tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo dự kiến trình Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 năm 2024. Dự thảo luật hướng tới hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục thuế nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí tuân thủ; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Quy định như vậy chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau dẫn đến khó khăn cho công tác thu thuế các đối tượng này. Một số nhà cung cấp ở nước ngoài cho rằng, trường hợp họ không có cơ sở hoạt động thường trú tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng phải đăng ký thuế, kê khai nộp thuế... Vì vậy, cần sửa đổi, bỏ nội dung “Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”, nghĩa là DN nước ngoài kinh doanh TMĐT cứ đã có kinh doanh TMĐT tại Việt Nam thì phải có nghĩa vụ khai báo nộp thuế theo quy định, không phân biệt có cơ sở thường trú ở Việt Nam hay không.
Việc quy định kê khai thuế thay trong giao dịch TMĐT đối với các sàn TMĐT được xem là cần thiết, nhằm đảm bảo đầu mối quản lý thu tập trung, tránh thất thu thuế (tương tự như quy định tạm thu thuế TNCN tại nguồn phát sinh thu nhập). Tuy nhiên, quy định này đang gây những ý kiến trái chiều, vì vậy cũng cần sửa đổi, luật hóa quy định này theo hướng giảm các thủ tục hành chính để tránh gánh nặng pháp lý cũng như gánh nặng quản lý thu cho các DN kinh doanh sàn TMĐT; đồng thời xem xét quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, đối với việc trực tiếp khai thuế của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT, Luật Quản lý thuế 2019 chưa có quy định riêng mà áp dụng chung như đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo phương thức truyền thống. Điều đó cũng gây thủ tục rườm rà, phức tạp cho người nộp thuế. Do đó, luật cũng cần bổ sung quy định thủ tục kê khai nộp thuế đặc thù đối với hộ và cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, một cách đơn giản và thuận lợi nhất cho người nộp thuế để khuyến khích mở rộng nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
PV: Thời gian qua, công tác hoàn thuế luôn được cơ quan thuế chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Mặc dù vậy, một số người nộp thuế đề nghị cần quy định cụ thể về trách nhiệm cơ quan thuế khi có lỗi trong việc chậm hoàn thuế. Ông có ý kiến về nội dung này như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Điều 75 (Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế) của Luật Quản lý thuế 2019 quy định: Quá thời hạn quy định đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hoặc đối với trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra hoàn thuế, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, tại khoản 9, Điều 18 (Nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế) của Luật Quản lý thuế hiện hành lại quy định nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế: “Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước”. Như vậy đang có sự “vênh nhau”, không thống nhất về điều kiện trả lãi và số tiền lãi phải trả giữa Luật Quản lý thuế và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Vì vậy, cần sửa quy định này theo hướng bình đẳng giữa cơ quan quản lý và người nộp thuế. Sự bình đẳng về chế tài là biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quản lý thuế, nâng cao tính tuân thủ và sự hài lòng của người nộp thuế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Gia Cư
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-doi-bo-sung-luat-quan-ly-thue-nang-cao-tinh-tuan-thu-va-hai-long-cua-nguoi-nop-thue-162144.html