Sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch phải xử lý được vướng mắc của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch phải xử lý được vướng mắc của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 1-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về một số nội dung quan trọng. Trong đó có các phương án sửa đổi, bổ sung 3 luật quan trọng để chuẩn bị báo cáo cấp có thẩm quyền.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về báo cáo đánh giá 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024 và phương án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; phương án sửa đổi, bổ sung Luật Địa chất và Khoáng sản; phương án sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy cùng với Luật Quy hoạch, hiện nay có 60 luật, pháp lệnh liên quan đến công tác quy hoạch. Cả nước có 108/110 quy hoạch được phê duyệt. Quá trình thực thi và qua rà soát cho thấy đã phát sinh một số vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Quy hoạch là yêu cầu cấp bách, nhằm tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo giữa các quy hoạch; bổ sung một số quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch quốc gia; cắt giảm thủ tục hành chính trong điều chỉnh quy hoạch; tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao tính khả thi của quy hoạch.
Việc điều chỉnh Luật Quy hoạch nhằm phù hợp với bối cảnh vận hành bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị sau sắp xếp và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; việc thực hiện các quy hoạch trong trường hợp có thay đổi về đơn vị hành chính đảm bảo các quy hoạch thống nhất, đồng bộ, liên thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho ý kiến về phương án sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Ảnh: VGP
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc sửa Luật Quy hoạch được Bộ Chính trị, Quốc hội rất quan tâm, do đó cần đầu tư, nghiên cứu kỹ. Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Thủ tướng chỉ rõ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch phải đảm bảo xử lý được những vướng mắc trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Theo đó, Luật sửa đổi phải quy định rõ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xây dựng, phê duyệt quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng để đưa ra các định hướng mang tính chiến lược.
Phân cấp cho ngành, địa phương thực hiện quy hoạch ngành, tỉnh trên nguyên tắc các quy hoạch ngành, tỉnh phải cụ thể hóa, tuân thủ và không trái với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.
Yêu cầu việc phân cấp quy hoạch để phát huy tối đa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, song tạo điều kiện phát huy tối đa nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch phải quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và thiết kế chế tài, công cụ để giám sát, kiểm tra theo tinh thần hậu kiểm, thay vì tiền kiểm.
Với phương án sửa đổi, bổ sung các luật nói chung, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể; tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.
Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nhất là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà, giảm phiền hà, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; xóa bỏ tư duy quản được đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì cấm, cơ chế xin-cho.
Nhấn mạnh yêu cầu lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng giao các cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
MINH TRÚC
Nguồn PLO : https://plo.vn/sua-doi-bo-sung-luat-quy-hoach-phai-xu-ly-duoc-vuong-mac-cua-luat-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-post858298.html