Sáng 5-5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đại biểu Lê Hữu Trí - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã thông tin cho Báo Khánh Hòa về nội dung này.
Ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
* Ông có thể cho biết về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013?
- Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp, đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 3 cấp là: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quản trị địa phương; hoạt động của bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức thành viên của Mặt trận, có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát cơ sở, nắm tình hình Nhân dân chưa kịp thời.
Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được tối đa việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước bối cảnh trên, Đảng đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12-4-2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
* Ông có thể cho biết những định hướng nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013?
- Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trọng tâm là 2 nhóm nội dung: (1) Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. (2) Các quy định tại chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
* Ông có thể nói rõ hơn về những nội dung cần xem xét sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương?
- Để kịp thời thể chế các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung các quy định về chính quyền địa phương tại các điều 110, 111, 112, 114 và 115 của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể như sau:
Sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị theo 3 cấp như hiện nay mà chỉ quy định có tính khái quát, làm cơ sở cho việc tổ chức lại các đơn vị hành chính theo mô hình 2 cấp, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ quy định cụ thể về các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh gồm xã, phường, đặc khu để đáp ứng yêu cầu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung có tính kỹ thuật tại các điều 111, 112, 114, 115 theo hướng không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương; rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
TRÍ NGHĨA (thực hiện)