Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Tạo linh hoạt trong quá trình phát triển khi quy định 'đơn vị hành chính dưới tỉnh'

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Tạo linh hoạt trong quá trình phát triển khi quy định 'đơn vị hành chính dưới tỉnh'
5 giờ trướcBài gốc
TS Trần Anh Tuấn góp ý tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Mai).
Nghiên cứu sửa đổi mạnh mẽ hơn vấn đề phân quyền
Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cũng thể hiện sự quan tâm và góp ý hoàn thiện các quy định liên quan đến nhóm nội dung này.
TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính cho rằng, dự thảo sửa đổi không nên bỏ khái niệm “cấp chính quyền địa phương”, vốn lần đầu xuất hiện ở Hiến pháp năm 2013. Hàm ý của khái niệm này là chính quyền địa phương đầy đủ, gồm cả HĐND và UBND. Tiếp tục sử dụng khái niệm này thì trong tương lai khi quá trình phát triển các đơn vị hành chính, lãnh thổ đặc biệt nếu thấy không cần tổ chức HĐND, Quốc hội có thể quyết ngay mà không cần sửa Hiến pháp.
Ông Tuấn đề xuất, nên chăng bổ sung thêm một khoản vào Điều 111 dự thảo Nghị quyết như sau: Chính quyền địa phương chỉ tổ chức 2 cấp, gồm: Chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp dưới tỉnh. Như vậy, dù tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có được chia thành phường, xã, liên phường, liên xã, đặc khu hay là tên gọi khác như phủ, trấn, thành phố thì chính quyền địa phương được tổ chức ở đó cũng đều là chính quyền cấp dưới tỉnh và chỉ là một cấp mà thôi.
Để từ bỏ tư duy “không biết mà vẫn quản, cái gì không quản được thì cấm”; xóa bỏ tình trạng một việc đã được giao thẩm quyền rồi nhưng vẫn phải hỏi các cơ quan trung ương hoặc các cơ quan liên quan; đồng thời góp phần nâng cao sự tự tin của đội ngũ lãnh đạo, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích phát triển địa phương, theo ông Tuấn, nội dung sửa đổi Điều 112 tại dự thảo Nghị quyết cần được nghiên cứu sửa đổi mạnh mẽ hơn vấn đề phân quyền giữa Trung ương và địa phương.
Ông Tuấn ví dụ, khoản 1 Điều 112 quy định: “Chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương do luật định” cần được sửa đổi theo hướng “chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương”; sau đó Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể. Hoặc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương nếu có thể, cần được quy định khái quát ngay tại Hiến pháp này, ít nhất cũng là những vấn đề mang tính nguyên tắc.
Bên cạnh đó, ông Trần Anh Tuấn cũng đề nghị cần chú ý tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp trong kiểm soát quyền lực khi thực hiện phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương và để thực hiện quản trị địa phương hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về cách diễn đạt “đơn vị hành chính dưới tỉnh” nên đề nghị quy định rõ 2 cấp hành chính ở địa phương nên là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở (cấp xã). Đồng thời, quy định khái niệm về UBND, HĐND một cách rộng hơn, chung hơn.
Không quy định “cứng” trong Hiến pháp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, thành viên Tổ biên tập sửa đổi Hiến pháp ghi nhận các góp ý. Trong đó, bà cho biết có thể tiếp thu ngay đề xuất ghi nhận đóng góp của cấp huyện.
Trao đổi với kiến nghị của các chuyên gia về cách diễn đạt “đơn vị hành chính dưới tỉnh”, bà Thủy cho biết, hàm ý là không quy định “cứng” trong Hiến pháp rằng trong mô hình 2 cấp, dưới tỉnh chỉ có xã, phường, đặc khu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp dẫn chứng: “Thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây, đã được nâng lên thành phố thuộc tỉnh. Nhưng khi nhập Hà Tây vào Hà Nội thì lại vướng Hiến pháp, nên phải hạ xuống thị xã, sau đó thì thành quận. Do đó, mới đề xuất sửa Hiến pháp theo cách này để Luật Tổ chức chính quyền địa phương có thể linh hoạt”.
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cũng giải thích tương tự. Theo ông, “đơn vị hành chính dưới tỉnh” như dự thảo sửa đổi Hiến pháp là khái quát. Không liệt kê cụ thể vào Hiến pháp rằng đơn vị hành chính dưới tỉnh gồm những loại hình gì chính là cách để trong quá trình phát triển sau này, khi xuất hiện nhu cầu, chẳng hạn tổ chức các thành phố, thị xã theo yêu cầu phát triển của chính quyền đô thị thì không bị vướng Hiến pháp.
Về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, ông Tuấn cho biết, đây là khái niệm kế thừa Hiến pháp năm 2013 hiện hành. “Thời điểm này chưa thể khẳng định đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tương lai là cấp tỉnh hay dưới tỉnh. Chẳng hạn, Phú Quốc dự kiến sẽ thành đặc khu, là đơn vị hành chính dưới tỉnh. Nhưng quá trình phát triển sau này biết đâu sẽ cần phải nâng lên ngang cấp tỉnh”, ông Tuấn lý giải.
U.San
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-nam-2013-tao-linh-hoat-trong-qua-trinh-phat-trien-khi-quy-dinh-don-vi-hanh-chinh-duoi-tinh-post548745.html