Sửa đổi Hiến pháp: Mặt trận sẽ lớn mạnh hơn, có vai trò chủ động hơn

Sửa đổi Hiến pháp: Mặt trận sẽ lớn mạnh hơn, có vai trò chủ động hơn
3 giờ trướcBài gốc
Những ngày này, TP Hà Nội cùng cả nước đang triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các cấp, ngành về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ý kiến đông đảo cán bộ, người dân đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tập trung vào kiện toàn hệ thống chính trị với một trong những mục tiêu quan trọng là nhằm thu gọn đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động, giúp Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Phát huy vai trò trong xây dựng chính quyền, thực hiện dân chủ ở cơ sở
Theo các ý kiến, đất nước ta đang tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ, đặc biệt là chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó sắp xếp lại địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp xã và không tổ chức cấp trung gian. Đây là cuộc cách mạng làm thay đổi mạnh mẽ mô hình quản lý, hướng tới mục tiêu tinh giảm bộ máy, cắt bỏ trung gian, xây dựng bộ máy sát dân, gần dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn và nhất là tiết kiệm được chi phí, phát huy tối đa nguồn lực.
Công tác này dẫn đến việc phải thay đổi một số quy định trong Hiến pháp cho phù hợp với nội dung đổi mới. Trong đó, một trong những thay đổi Hiến pháp lần này là xác định rõ hơn vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trong hệ thống chính trị.
Chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Tiến Vinh - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận địa bàn dân cư số 3 phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vi hành chính, chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với hệ thống MTTQ. Đó là giúp bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho MTTQ tham gia giám sát, phản biện xã hội. Cải cách hành chính cũng chú trọng nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, giúp MTTQ phối hợp hiệu quả hơn với các cơ quan Nhà nước; trao quyền chủ động hơn cho các địa phương, tạo điều kiện cho MTTQ ở địa phương phát huy vai trò. Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nên MTTQ buộc phải đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu mới.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, MTTQ thực tế đang tiến hành nhiều cải cách về tổ chức bộ máy, từ việc kiện toàn tổ chức bộ máy (sắp xếp lại các ban, đơn vị trực thuộc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả), nâng cao chất lượng đội ngũ (tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ) cho tới đổi mới phương thức hoạt động (ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp các tổ chức thành viên, phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu)... Tất cả vấn đề ấy đòi hỏi có sự sửa đổi Hiến pháp nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đáp ứng mong đợi của Nhân dân về cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP
Từ đó, ông Phạm Tiến Vinh kiến nghị, cùng với việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này, cần tiếp tục khẳng định thêm vai trò cốt lõi và tăng cường quyền hạn của MTTQ Việt Nam. MTTQ cần được xác định là tổ chức trung tâm trong hệ thống chính trị, có vai trò tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân; được bổ sung các quyền hạn trong việc giám sát, phản biện chính sách công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, cũng như tham gia vào xây dựng chính sách và pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Vinh đề xuất có sự điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức bên trong MTTQ và các tổ chức CT-XH trực thuộc, nhằm tránh chồng chéo trách nhiệm và chức năng, tạo ra sự thống nhất và hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, đưa ra quy định cụ thể về nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong hoạt động của các tổ chức thành viên, nhằm bảo đảm mọi thành viên đều có tiếng nói và được tham gia quá trình quyết định. Ngoài ra, nên khuyến khích tính minh bạch trong các hoạt động của MTTQ, bao gồm báo cáo công khai các hoạt động, kết quả giám sát và phản biện; khuyến khích việc tham gia của Nhân dân trong các hoạt động của Mặt trận thông qua hình thức tổ chức hội thảo hay những diễn đàn lấy ý kiến Nhân dân.
“Việc bổ sung các nội dung như vậy sẽ giúp MTTQ Việt Nam hoạt động hiệu quả, gần gũi và gắn bó hơn với Nhân dân cũng như phát huy được vai trò trong việc xây dựng chính quyền, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những điều đó nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng về việc tăng cường và nâng cao năng lực hoạt động của MTTQ Việt Nam, tạo điều kiện cho các tổ chức CT-XH hoạt động đồng bộ, hiệu quả, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước”- ông Phạm Tiến Vinh khẳng định.
Tăng cường hơn nữa cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước
PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, trong Hiến pháp năm 2013, Điều 9 đã quy định rất rõ vai trò, chức năng của MTTQ, đó là liên minh chính trị của mọi tầng lớp Nhân dân, đại diện cho khối đại đoàn kết và tham gia phản biện xã hội (liên minh chính trị gồm các tổ chức CT-XH, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cá nhân tiêu biểu…). MTTQ có vai trò mang tiếng nói của Nhân dân, là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Lần này sửa đổi Hiến pháp càng khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ, đó là, MTTQ vẫn là liên minh chính trị nhưng sẽ được giữ vai trò chủ động hơn trong xây dựng chính sách, trong giám sát phản biện và thậm chí chủ động hơn cả trong kiến nghị lập pháp. Các quy định này sẽ góp phần thay đổi rõ ràng vị trí của MTTQ, với vai trò được nâng lên rất cao.
Ông Phạm Tiến Vinh đề xuất điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức bên trong Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH trực thuộc (ảnh: Chi hội Người cao tuổi địa bàn dân cư số 3 phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng tổng kết hoạt động năm 2024 và mừng thọ các hội viên cao tuổi)
Theo bà Bùi Thị An, việc sửa đổi Điều 9, về mặt tổ chức của MTTQ sẽ “to”, mạnh hơn, vì liên minh chính trị được thu gọn. Trước đây các tổ chức CT-XH (nông dân, phụ nữ, thanh niên…) tuy vẫn nằm trong liên minh nhưng hoạt động khá độc lập, nay sẽ được thu về một mối, nên sức mạnh sẽ được nâng lên, thể hiện vai trò vị trí thay đổi mang tính chất định lượng. Từ đó, MTTQ trở thành kênh chính trị pháp lý để Nhân dân có thể tham gia quản lý Nhà nước, với vị trí được nâng lên, chủ động hơn.
Đáng chú ý, theo chuyên gia này, để tiếng nói phản biện của MTTQ thực sự khách quan, trung thực, chính xác, trở thành tiếng nói chính thức và có giá trị chứ không phải là tiếng nói bổ trợ nữa, MTTQ cần tổ chức được đội ngũ chuyên gia rất giỏi, có các dữ liệu một cách trung thực và khoa học. Như vậy MTTQ mới tham gia giám sát phản biện tốt và chuẩn, cùng đó phải có phương pháp luận và cách tiếp cận tốt. Bên cạnh đó, MTTQ nên tiếp tục quan tâm lắng nghe mọi ý kiến đa dạng của Nhân dân, của giới chuyên gia… thậm chí cả những ý kiến trái chiều của số ít nhưng có tính chất xây dựng, để từ đó có chắt lọc, để phục cho công tác tham gia vào xây dựng chính sách và thậm chí lập pháp.
“Hiến pháp là bộ luật gốc, cốt lõi, luật khung, nhưng muốn được thực thi tốt, nên có những văn bản dưới luật, cụ thể là nên sửa Luật MTTQ để cụ thể hóa hơn, nếu không thì khâu thực thi sẽ khó”- bà Bùi Thị An đề xuất.
Linh Nguyễn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/sua-doi-hien-phap-mat-tran-se-lon-manh-hon-co-vai-tro-chu-dong-hon.702839.html