PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội:
Nên nghiên cứu cụ thể hóa quyền của tổ chức MTTQ Việt Nam
PGS.TS Bùi Thị An. Ảnh: PV
Tôi rất đồng tình khi cơ quan soạn thảo thêm cụm từ “bộ phận” vào Điều 9: MTTQ Việt Nam “là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Điều này có ý nghĩa khẳng định vị trí chính trị - pháp lý của Mặt trận trong mối quan hệ gắn bó, phối hợp với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Theo tôi, để MTTQ xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, nên nghiên cứu cụ thể hóa việc MTTQ Việt Nam có quyền trình dự án luật (Điều 84) trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này rất khả thi bởi MTTQ Việt Nam là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng ý kiến đa chiều từ nhân dân và các tầng lớp xã hội.
Thêm nữa, việc thực hiện quyền này là bảo đảm cho nhân dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất, thông qua đại diện hợp pháp là MTTQ, nhất là hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu phát huy dân chủ và trách nhiệm giám sát quyền lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tôi đề nghị giữ nguyên quyền trình dự án luật cho 5 tổ chức chính trị - xã hội là thành viên trực thuộc Mặt trận, để các tổ chức này được quyền trình dự án luật đặc thù theo đối tượng của mình (phụ nữ, nông dân, công đoàn...).
Tóm lại, việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật, mà còn là bước tiến về thể chế, khẳng định vai trò và có thực quyền của MTTQ Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Luật sư Lê Đức Bính, Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội):
Cần quy định rõ hơn về đơn vị hành chính
Luật sư Lê Đức Bính (Người bên phải). Ảnh: PV
Trước hết, theo tôi, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là việc làm cần thiết và hợp Hiến. Bố cục của Dự thảo nghị quyết hợp lý khi sắp xếp Điều 1 là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành của nghị quyết.
Cụ thể, Điều 10 Dự thảo quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định như vậy là trùng lặp vì Điều 9 cũng đã quy định: “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam”. Vì vậy, dự thảo nên bỏ ý này và thay bằng: Là đại diện của người lao động ở mỗi cấp và đến tầm quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn.
Điều 110 Dự thảo sửa đổi là: Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo tôi, cần quy định rõ đơn vị hành chính đó gồm cấp xã, phường và đặc khu, không nên quy định chung chung. Đồng thời, không quy định do Quốc hội xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...
Về Khoản 2, Điều 112, theo tôi, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do Chính phủ quy định.
Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn công tác tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội) Trương Minh Tiến:
Có biện pháp sử dụng đội ngũ cán bộ công tâm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Ông Trương Minh Tiến. Ảnh: PV
Trước hết, tôi tán thành chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 nhằm tạo hành lang pháp lý để triển khai các nhiệm vụ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả).
Nội dung sửa đổi tại Điều 9 đã luật hóa chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Các tổ chức đoàn thể quần chúng và các tổ chức xã hội khác: Công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức trực thuộc MTTQ Việt Nam. Quy định này nhằm thu gọn đầu mối, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý.
Theo tôi, sau khi Dự thảo Nghị quyết được thông qua và có hiệu lực thì toàn bộ hệ thống bộ máy của Nhà nước và MTTQ Việt Nam được sắp xếp lại tinh gọn. Tôi đề nghị cấp thẩm quyền có biện pháp để đánh giá, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp thật công tâm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không để tình trạng lợi ích nhóm, chạy chọt, thân quen...
Các cơ quan cần giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho toàn bộ cán bộ không tiếp tục công tác. Đối với những cán bộ còn trong độ tuổi lao động, cần có chính sách đào tạo, hỗ trợ việc làm, đặc biệt quan tâm đến các gia đình người lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn không còn làm việc trong hệ thống chính trị.
Minh Thúy