Sửa đổi Luật Điện lực: Bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, gây cản trở, vướng mắc

Sửa đổi Luật Điện lực: Bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, gây cản trở, vướng mắc
3 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo thường kỳ quý III/2024.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III/2024 diễn ra chiều 23/10, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho biết, thứ nhất, quan điểm khi xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) là chỉ đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã rõ, được kiểm chứng qua thực tiễn và thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có tính ổn định, lâu dài.
Vì vậy, quy định của Luật sẽ mang tính nguyên tắc và có chủ trương để xử lý những vướng mắc, bất cập. Còn những vấn đề cần kiểm chứng thêm cũng như có thể sẽ thay đổi để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, sẽ được quy định ở cấp những hệ thống văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.
Thực tiễn cho thấy trong những quy định về lĩnh vực điện thời gian vừa qua, việc thực hiện Luật Điện lực năm 2004 thông qua hệ thống văn bản hướng dẫn dưới Luật rất chi tiết và mang tính kỹ thuật chuyên sâu, có sự thay đổi theo sự phát triển của công nghệ, xu thế phát triển điện lực của thế giới và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Về những vấn đề cụ thể liên quan đến bao tiêu sản lượng tối thiểu cũng như chuyển ngang giá khí sang giá điện (cụ thể là khí thiên nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu), theo kinh nghiệm thế giới, khi phát triển loại hình dự án này, các nhà đầu tư do phải đầu tư nguồn tài chính rất lớn và chủ yếu đi vay của những tổ chức tài chính, nên cần có sản lượng được huy động rõ ràng, từ đó có các phương án tài chính để dự án được đảm bảo. Tuy nhiên việc tính sản lượng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố cụ thể của từng dự án, từng phương án của các chủ đầu tư. Theo dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ sẽ quy định chi tiết những nội dung này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ và điều kiện đặc thù của từng dự án.
Thứ hai, về chuyển dịch năng lượng, trong Điều 94, 95, 96 dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đều toát ra những hành động, quy định để thực hiện chuyển dịch năng lượng, từ những nội dung liên quan đến việc phải có những chuyển đổi, những nhà máy điện hiện hữu đang sử dụng những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường cũng như phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đây cũng là một trong những hoạt động về chuyển dịch năng lượng.
Liên quan đến tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương đã được giao xây dựng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, Luật quy định rất chi tiết những nội dung để đảm bảo hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, và Luật đã được sửa đổi từ Luật đã được ban hành năm 2010. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định những nội dung liên quan đến hoạt động phát triển điện lực trong hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả chủ yếu tập trung về phía quản lý, yêu cầu cũng như tăng cường sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trong cung ứng, sản xuất điện, truyền tải, phân phối điện.
Thứ ba, về việc cụ thể hóa bù chéo giá điện, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa những chính sách liên quan đến giá điện, từ cơ cấu biểu giá điện nhằm đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện và giá điện tiêu dùng, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) này cũng đã có những quy định để trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết so với Luật Điện lực 2004, trong dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định và có cập nhật để giải quyết một số vướng mắc trong thời gian vừa qua.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa trả lời những thắc mắc của các phóng viên liên quan đến dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Làm rõ thêm về các vấn đề trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết, liên quan đến các nội dung như tiết kiệm năng lượng, chuyển dịch năng lượng hay xử lý môi trường, bên cạnh Luật Điện lực thì cũng có các luật khác liên quan, ví dụ hiện nay đang có Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật bảo vệ môi trường và các luật khác, còn Luật Điện lực chỉ tập trung vào lĩnh vực điện.
"Chúng tôi cũng đã rất băn khoăn, rất muốn làm sao để bổ sung những nội dung của các luật khác để đưa vào trong Luật Điện lực (sửa đổi) cho rõ ràng, trở thành một chỉnh thể thống nhất. Nhưng theo kỹ thuật lập pháp, mỗi luật có một phạm vi khác nhau, các phạm vi này lại đan xen và giao thoa lẫn nhau, vì vậy liều lượng để trong Luật Điện lực trông có vẻ ít nhưng luôn luôn có những điều khoản được viết là sẽ làm theo các luật khác có liên quan", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ.
Về bù chéo giá điện, đã có chủ trương trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng nên trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã nêu rõ về mặt nguyên tắc. Vấn đề điều hành nằm trong việc giao thẩm quyền, ví dụ giá điện giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ, giao thẩm quyền cho Bộ Công Thương, để đảm bảo được các tiêu chí đặt ra. Vì vậy không thể viết chi tiết trong Luật.
Về Nghị định điện mặt trời mái nhà, đây là một cơ chế rất mới, đang bắt đầu triển khai đồng bộ như Nghị định về mua bán điện trực tiếp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan để tổ chức triển khai.
Huyền My
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/sua-doi-luat-dien-luc--bai-bo-nhung-quy-dinh-khong-con-phu-hop--gay-can-tro--vuong-mac-128744.htm