Sửa đổi Luật Điện lực: Từ thông điệp của Tổng Bí thư đến gỡ điểm nghẽn cho kỷ nguyên mới (Bài 5)

Sửa đổi Luật Điện lực: Từ thông điệp của Tổng Bí thư đến gỡ điểm nghẽn cho kỷ nguyên mới (Bài 5)
4 giờ trướcBài gốc
Từ kinh nghiệm của các nước
Các quốc gia đều có Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động điện lực. Văn bản điều chỉnh hoạt động điện lực đều là văn bản Luật/Đạo luật. Một số quốc gia hoạt động theo mô hình nhà nước liên bang (như Canada) thì mỗi tỉnh/bang có một Luật điều chỉnh hoạt động điện lực riêng.
Các nước đều khuyến khích phát triển điện lực thông qua các chính sách đã được hoạch định
Luật Điện lực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) được ban hành năm 1995, lần chỉnh sửa, bổ sung mới nhất là tháng 4/2022. Cùng với đó, Trung Quốc cũng ban hành Luật Năng lượng tái tạo để khuyến khích phát triển lĩnh vực này. Nhìn chung Luật Điện lực Trung Quốc dựa trên nguyên tắc "ai đầu tư, ai hưởng lợi" gắn liền với quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ mới để giảm thiểu thải chất độc hại, ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng và phát điện hoặc vận hành mạng lưới điện nhưng tuân thủ giám sát của cơ quan quản lý điện lực; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ và sáng kiến.
Luật Điện lực Trung Quốc cũng đặt ra quy hoạch/kế hoạch phát triển điện năng dựa trên nhu cầu đất nước và tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia, phù hợp với quy hoạch của địa phương. Trong các quy hoạch/kế hoạch này cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc sử dụng hợp lý nguồn năng lượng, phối hợp phát triển nguồn cung cấp và mạng lưới điện, tăng cường kết quả kinh tế và hỗ trợ bảo vệ môi trường.
Nhà nước Trung Quốc hỗ trợ và khuyến khích phát triển điện lực thông qua các chính sách đã được hoạch định. Chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp khác nhau phù hợp với điều kiện địa phương để phát triển nguồn cung cấp và thúc đẩy xây dựng công trình điện dựa trên quy hoạch phát triển điện lực.
Nhà đầu tư trong lĩnh vực điện lực sẽ hưởng quyền lợi và quyền lợi pháp lý đối với điện năng được tạo ra nhờ đầu tư của họ. Nhà đầu tư sẽ được ưu tiên sử dụng điện từ mạng lưới điện và có quyền kiểm soát và sử dụng nhà máy điện để tự cung cấp trong nội bộ nhà máy mà không bán lên lưới. Các dự án điện lực được xây dựng phải tuân thủ quy hoạch phát triển điện lực cũng như chính sách của nhà nước đối với ngành công nghiệp điện.
Hay Luật Điện lực quốc gia Úc là cơ sở pháp lý toàn diện cho việc quản lý, vận hành ngành điện tại Úc nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn, bảo mật và tin cậy của Hệ thống điện quốc gia. Trên cơ sở quy định tại Luật Điện lực quốc gia, các tiểu bang sẽ xây dựng các quy định riêng để phù hợp với đặc thù về chính trị, kinh tế, nhu cầu phụ tải của từng bang.
Luật Điện lực quốc gia của Úc nhấn mạnh đến quy định về tham gia thị trường điện quốc gia bao gồm 2 nội dung chính: Quy định về các thủ tục đăng ký hoặc miễn trừ đăng ký tham gia thị trường điện năng quốc gia; quy định chi tiết về nghĩa vụ và trách nhiệm của các đơn vị điện lực trong việc tuân thủ các quy định cung cấp dịch vụ truyền tải và phân phối điện.
Luật Kinh doanh Điện của Nhật Bản (Electricity Business Act) được xây dựng và ban hành năm 1964, trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung bản mới nhất là tháng 11/2015. Mục đích của đạo luật này là bảo vệ lợi ích của người sử dụng điện và đạt được sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp điện lực bằng cách thực hiện quản lý phù hợp và hợp lý đối với các doanh nghiệp điện lực, đồng thời đảm bảo an toàn công cộng và thúc đẩy bảo vệ môi trường bằng các quy định điều chỉnh các hoạt động liên quan đến xây dựng, bảo trì và vận hành của công trình, cơ sở điện lực.
Ngoài các quy định các điều khoản chung, Luật Kinh doanh Điện của Nhật Bản quy định về kinh doanh điện bao gồm các nội dung chính: Quy định về kinh doanh bán lẻ điện liên quan đến việc đăng ký kinh doanh bán lẻ điện và quy định chi tiết trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp bán lẻ điện (bao gồm cả việc đảm bảo khả năng cung cấp, giải thích điều kiện cung cấp điện, xử lý khiếu nại...); quy định chung về truyền tải và phân phối điện liên quan đến các nội dung về yêu cầu và thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các doanh nghiệp truyền tải và phân phối điện; quy định các dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp truyền tải và phân phối điện toàn diện; quy định về chế độ kế toán và tài chính cho các doanh nghiệp truyền tải và phân phối điện một cách toàn diện; quy định về các công trình điện, đặt ra các hệ thống và tiêu chuẩn để đảm bảo vận hành công trình điện an toàn, tuân thủ kỹ thuật, và bảo vệ môi trường…
Nhìn chung, tất cả các nước đều ban hành Luật Điện lực, được sửa đổi, cập nhật thường xuyên và lấy đó làm cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai trong thực tiễn. Ngoài ra ở một số lĩnh vực mới, nhiều quốc gia có quy định riêng rất kịp thời để thực hiện.
Đơn cử, Chính phủ Anh đã rất quan tâm đến năng lượng tái tạo và ngay từ năm 2015, đã tạo ra cơ chế hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia, cùng với sự chủ động của chính phủ trong việc đưa ra các chiến lược phát triển và mục tiêu của từng năm. Cụ thể, với từng cấp quy mô dự án thì Anh Quốc dùng từng cơ chế khác nhau, trong đó riêng các dự án quy mô lớn thì nước này sử dụng cơ chế RO (nghĩa vụ khi tham gia sản xuất năng lượng tái tạo) và sau đó là CfD (hợp đồng chênh lệch) và đấu thầu.
Ví dụ như, CfD với cơ chế giá xác định (giá đảm bảo từ chính phủ) và chênh lệch so với giá xác định sẽ được chính phủ viện trợ (khi giá thị trường thấp hơn) và doanh nghiệp trả ngược lại cho chính phủ (khi giá thị trường cao hơn). Về quy trình đấu thầu, Anh Quốc luôn có hạn mức ngân sách và toàn bộ các dự án nằm trong tổng ngân sách cho phép đều sẽ được chấp thuận.
Tương tự, nhà lập pháp Đức đã thông qua sửa đổi Đạo luật Năng lượng tái tạo 2021 (EEG 2021). Đạo luật này nhằm mục đích đảm bảo rằng việc sản xuất điện không gây hiệu ứng nhà kính từ năm 2050; đặt mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của Đức đạt ít nhất 65% vào năm 2030; quy định tăng khối lượng đấu thầu liên quan đến giá thị trường cho năng lượng gió và mặt trời; miễn việc sử dụng điện cho quá trình điện phân hydro xanh khỏi nghĩa vụ thanh toán phụ phí EEG.
Đón nhận và kỳ vọng
Theo Bộ Công Thương, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt trong điều hành; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và những tồn tại, hạn chế như thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp, thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài...
Việc sửa đổi Luật Điện lực được nhận định là rất cần thiết và cấp bách
Tại cuộc làm việc góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 15/11, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, điều này rất tích cực và cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và thịnh vượng trong tương lai. Việc này không chỉ để đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam, mà còn rất quan trọng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và duy trì FDI hiện tại.
“Việc Việt Nam sửa đổi Luật Điện lực là rất quan trọng để thúc đẩy các chính sách năng lượng và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chính phủ Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này”- Đại sứ Nicolai Prytz khẳng định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi thông tin, Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng dự án luật riêng về năng lượng tái tạo. Song, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, dự thảo Luật Điện lực đã thiết kế một chương riêng về năng lượng tái tạo, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trên thực tế. Cùng với đó, do các quy định liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo như đàm phán giá điện, cam kết sản phẩm tối thiểu, giải phóng mặt để thực hiện dự án phát triển điện… được quy định trong nhiều luật khác nên cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chia sẻ về Luật Điện lực (sửa đổi), TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho hay, việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 55-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng vào Luật Điện lực sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; thúc đẩy đầu tư ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - đoàn Bến Tre kỳ vọng các quy định trong dự thảo luật sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Thời gian qua, mặc dù khá thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng cơ chế, chính sách, thủ tục, quy trình vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, việc sửa đổi Luật Điện lực sẽ gỡ nút thắt; đồng thời hướng tới thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Qua thảo luận tại tổ, các ý kiến đều bày tỏ ủng hộ và đồng thuận cao với các chính sách liên quan đến đầu tư cho ngành điện, nhất là năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tỉnh Bến Tre cũng có nhiều dự án về năng lượng tái tạo, hiện đã triển khai được 1/3 danh mục dự án trong Quy hoạch điện VIII, từng bước phát huy hiệu quả kinh tế, rất cao. Trong đó, đã cung cấp thêm điện cho điện lưới quốc gia và có thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Từ thực tế tại Bến Tre cho thấy, điện đóng vai trò quan trọng, là động lực phát triển, nhất là trong hoạt động nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Với gần 5.000 hecta nuôi tôm công nghệ cao, nếu không có điện, sản lượng tôm thu hoạch sẽ không đạt như kỳ vọng. “Phát triển bền vững ngành điện là điều kiện cần thiết thu hút các nhà đầu tư, do đó cần sớm tháo gỡ nút thắt của ngành điện nhằm huy động thêm nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế khác” - đại biểu nhận định.
Đánh giá cao vai trò của ngành điện lực trong việc đưa điện về nông thôn, miền núi, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật để tạo nguồn lực phát triển trong giai đoạn mới.
Đại biểu đoàn Lâm Đồng kỳ vọng trong lần sửa đổi Luật Điện lực này sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, với chất lượng ổn định, an toàn, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực là điều rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực để về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ vào năm 2025. Việc giải quyết được vấn đề năng lượng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước; giải phóng, khơi thông các nguồn lực nhất là các nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng quốc gia.
Quỳnh Nga - Đình Dũng
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/sua-doi-luat-dien-luc-tu-thong-diep-cua-tong-bi-thu-den-go-diem-nghen-cho-ky-nguyen-moi--bai-5-359428.html