Sửa đổi Luật, phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp

Sửa đổi Luật, phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp
4 giờ trướcBài gốc
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự thảo Luật phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương; giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính từ trung ương đến cấp xã; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại phiên họp: Ảnh: Quochoi.vn
Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn.
Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố; cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo); đối với đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.
"Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã"- Bộ trưởng cho biết.
Luật cũng sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: Cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đối với chính quyền địa phương cấp xã: Quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu): HĐND cấp xã có 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025; đồng thời quy định các nội dung để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp (bỏ cấp huyện) và về tổ chức chính quyền đô thị.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị; quy định chuyển tiếp về tổ chức chính quyền địa phương tại phường ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021-2026; quy định 8 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động thống nhất, liên tục, không gián đoạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp theo quy định tại Luật này.
Thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban đồng tình với việc sửa đổi căn bản, toàn diện Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung, như việc quy định UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình có đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ở địa phương...
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát quy định chuyển tiếp và các quy định khác có liên quan để có thể bao quát được hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không tổ chức cấp huyện), tránh bỏ sót, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của của bộ máy chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng quyền lợi chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cấp xã sắp tới sau sắp xếp có nhiều loại, như TP Phú Quốc cũng thành đặc khu, có xã lớn hơn cả huyện nên nếu không phân cấp cho phòng trực thuộc và trung tâm hành chính công làm việc cụ thể thì cũng dẫn đến khó khăn. Do đó, Dự thảo Luật nên nghiên cứu quy định “có thể” trong phân cấp để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý việc quy định tổ chức bộ máy, nếu tổ chức các phòng, rồi có trưởng, phó phòng trong khi biên chế dự kiến chỉ khoảng 32 người thì có hợp lý hay không. Bởi nhiều phòng thì có khi đi chuyên sâu mà khó làm tổng hợp. Cán bộ xã hải như con dao pha, làm được nhiều việc, giờ chia ra ông nào làm việc ông đấy thì có khi dẫn đến khó huy động lực lượng tổng thể, nhất là khi đột xuất, cấp bách. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định phù hợp.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên quy định về lấy phiếu tín nhiệm ở cấp xã vì không còn tổ chức cấp huyện; hơn nữa cấp xã trực tiếp, sát với dân. Về tổ chức hoạt động thì tùy theo phân loại xã to, nhỏ để có cơ cấu phù hợp
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, theo Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh tại HĐND, UBND cấp xã; tuy nhiên hiện nay địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của cấp xã mới rất khác. Do đó, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến và điều chỉnh theo hướng sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoc.vn
Về tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương cấp xã, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi xây dựng đề án không tính theo cách sắp xếp cơ quan chuyên môn mà tính luôn theo vị trí việc làm; bây giờ bình quân có 21 cán bộ công chức và 17 vị trí việc làm. Định hướng ban đầu theo vị trí việc làm là điều chỉnh tăng lên từ 17 lên 23 vị trí việc làm, mỗi vị trí có việc làm chung thì rất thuận cho việc vận hành, giảm bớt đi số lượng lãnh đạo; còn thêm các phòng ban chuyên môn thì số lượng lãnh đạo dự kiến chiếm tỷ lệ trên 1/3, theo tính toán của Bộ. "Nếu bên Đảng thêm 3 phòng, bên chính quyền dự kiến phương án khoảng 4 phòng và tương đương, như vậy có 7 phòng, thuần túy mà nói nhân lên đã có 14 đồng chí lãnh đạo rồi. Nếu cộng lại rất nhiều” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đây là cấp chính quyền hoàn chỉnh nên phải có tổ chức bộ máy, nhưng đồng thời phải phát huy vai trò vận hành chung theo hướng linh hoạt, nên giao địa phương căn cứ quy mô phát triển, quy mô dân số và đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương hoặc bố trí theo vị trí việc làm. Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết nhưng phải phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để định hình bộ máy. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng khẳng định, nếu đã làm lãnh đạo xã thì kiêm nhiệm, ví dụ bí thư kiêm chủ tịch HĐND, Phó bí thư kiêm Chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã, trưởng các ban HĐND phải kiêm trưởng các tổ chức đảng hoặc tổ chức chính trị xã hội, phó chủ tịch ủy ban kiêm giám đốc trung tâm hành chính… để giảm bớt số lãnh đạo và cũng không nhất thiết bố trí cấp phó của cơ quan chuyên môn.
Nguyễn Vũ
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/sua-doi-luat-phan-dinh-ro-tham-quyen-cua-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap.688343.html