Ngày 10/2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì phiên họp lần 1 Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật SDNL TK&HQ).
Trước đó, ngày 17/12/2024 Chính phủ đã có Nghị quyết số 240 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024 bao gồm kết luận về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết trong việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điều này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, và thực hiện các mục tiêu đề ra, bao gồm mục tiêu đưa phát thải ròng về mức '0' vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP 26).
Luật SDNL TK&HQ (Luật số 50/2010) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm triển khai, luật đã bộc lộ một số bất cập, cần phải rà soát và sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại Luật và các luật liên quan.
Đề xuất điều chỉnh 4 nhóm chính sách
Theo Thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang tập trung đánh giá và đề xuất sửa đổi bốn nhóm chính sách của Luật.
Cụ thể, chính sách về nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đảm bảo mục tiêu tăng quản lý bắt buộc đối với nhóm đối tượng sử dụng nhiều năng lượng;
Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (Trung ương và địa phương) trong việc xây dựng chính sách và quản lý hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải.
Giải pháp thực hiện chính sách là giao cho Chính phủ điều chỉnh việc xác định mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu tiết kiệm năng lượng của quốc gia.
Chính sách quản lý và phát triển dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả nhằm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý. Điều này tạo điều kiện và khuyến khích các bên tham gia thị trường năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn.
Cải thiện chất lượng đào tạo đội ngũ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng và nâng cao được năng lực chuyên môn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực SDNL TK&HQ.
Chính sách, quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với mục tiêu xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả công cụ Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy SDNL TK&HQ theo hướng xã hội hóa.
Huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động TKNL, hình thành thị trường dịch vụ TKNL minh bạch tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, xây dựng và bổ sung các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm có hiệu suất cao, đồng thời từng bước loại bỏ các sản phẩm có hiệu suất thấp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Khắc phục các thiếu sót và vướng mắc trong chính sách quản lý hiệu suất năng lượng cho các thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng và dán nhãn năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.
Ngắn gọn, đi thẳng vào chính sách
Sau khi nghe báo cáo của Tổ biên tập, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các thành viên Ban soạn thảo. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Trong đó có mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP 26).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả được xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong nước, đảm bảo phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Luật này còn tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ vướng mắc và rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đồng thời tăng cường các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Ông Diên nhấn mạnh "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật SDNL TK&HQ sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng".
Ban soạn thảo đã thống nhất với Kế hoạch triển khai Dự án Luật do Tổ biên tập đề xuất và cơ bản đồng ý với nội dung Dự thảo 01 của Luật và Tờ trình Chính phủ. Ban soạn thảo đề nghị Tổ biên tập tiếp tục tiếp thu ý kiến của các thành viên và các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện Dự thảo Luật và Tờ trình Chính phủ, trình Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan trước ngày 12/2/2025.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tổ biên tập tiếp tục tiếp thu các ý kiến của các thành viên và các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện Dự thảo Luật và Tờ trình Chính phủ với yêu cầu tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật có liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành và các phát sinh trên thực tiễn với mục tiêu lớn nhất là đáp ứng yêu cầu về năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng;
Bộ trưởng phát biểu rằng việc xây dựng dự thảo luật sẽ được tiến hành theo tinh thần quy định các vấn đề khung, ngắn gọn và đi thẳng vào các chính sách, nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, sẽ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính và phân cấp tối đa để các địa phương và doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện.
Bích Ngọc