Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng

Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
5 giờ trướcBài gốc
Định hướng linh hoạt, tránh áp chỉ tiêu cứng
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) bày tỏ sự đồng tình với chủ trương sửa đổi luật nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, bà cho rằng việc đưa “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” thành một chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương là chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân chính là thiếu hệ thống công cụ đo lường đồng bộ, có khả năng áp dụng rộng rãi đối với các lĩnh vực kinh tế rất khác biệt về tính chất và quy mô.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai)
Theo bà Lan Anh, thay vì đặt ra chỉ tiêu cứng, nên đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm vào kế hoạch phát triển như một định hướng lớn, mang tính linh hoạt theo điều kiện từng địa phương. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính thực tiễn và khả thi, tránh tình trạng hình thức trong báo cáo và triển khai.
Góp ý về đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đánh giá cao chủ trương này, song cũng cảnh báo nguy cơ chồng chéo với các quỹ hiện hành, như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Để tránh trùng lắp chức năng và thất thoát nguồn lực, bà đề xuất cần xây dựng cơ chế quản lý quỹ chặt chẽ, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Theo đó, việc quản lý quỹ nên được giao cho các tổ chức tài chính có năng lực chuyên môn, vận hành theo cơ chế thị trường, có hợp đồng ủy thác cụ thể và chịu giám sát của cơ quan nhà nước. Kinh nghiệm quốc tế từ các mô hình quỹ năng lượng tại Thái Lan hay châu Âu có thể được tham khảo, nhưng cần điều chỉnh phù hợp với điều kiện thể chế, năng lực quản lý trong nước.
Ưu tiên doanh nghiệp và vùng khó khăn
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) đặt vấn đề về công bằng trong tiếp cận chính sách năng lượng, đặc biệt với các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa. Ông cho rằng những khu vực này đang gặp khó khăn lớn trong tiếp cận công nghệ mới, vốn đầu tư và tín dụng xanh. Nếu không có sự hỗ trợ cụ thể từ luật và ngân sách trung ương, họ sẽ tiếp tục tụt hậu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ông kiến nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ở vùng khó khăn thông qua các chính sách cụ thể như hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, tín dụng ưu đãi và bảo lãnh tín dụng cho các dự án công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đây là giải pháp thiết thực để gỡ bỏ rào cản “chi phí đầu tư cao - lợi ích dài hạn” vốn là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp.
Một điểm nhấn quan trọng trong phát biểu của đại biểu Lưu Văn Đức là yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và phân cấp thực quyền cho địa phương. Ông cho rằng nếu vẫn giữ nguyên các quy trình cũ, luật dù có sửa cũng khó triển khai hiệu quả. Địa phương cần được trao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch, triển khai và giám sát các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi và giám sát tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực. Nền tảng số sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng thu thập dữ liệu, đánh giá hiệu quả và đưa ra cảnh báo sớm về thất thoát năng lượng. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý công.
Từ những góp ý xác đáng và thực tiễn của các đại biểu, có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng đồng bộ, minh bạch, có trọng tâm và dễ triển khai. Luật cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng để huy động nguồn lực, khuyến khích chuyển đổi mô hình tiêu dùng và sản xuất năng lượng theo hướng bền vững.
Huy Tùng
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/sua-doi-luat-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-thiet-lap-co-che-ho-tro-va-giam-sat-ro-rang-727305.html