Sửa đổi nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính, nâng thẩm quyền của Trưởng Công an xã

Sửa đổi nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính, nâng thẩm quyền của Trưởng Công an xã
6 giờ trướcBài gốc
Bổ sung thẩm quyền cho Công an cấp xã
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt VPHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục xử lý VPHC; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong quá trình triển khai thi hành luật thời gian qua.
Theo đó, Luật XLVPHC hiện hành quy định thẩm quyền quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị TAND áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc UBND cấp huyện, còn cơ quan Công an cấp xã là cơ quan giúp UBND cấp xã lập hồ sơ đề nghị để Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống CAND được tổ chức theo mô hình 3 cấp, không còn cấp huyện; chính quyền địa phương cũng tổ chức theo mô hình 2 cấp, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; đồng thời, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy đã được chuyển giao từ cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội sang cơ quan Công an.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.
Vì vậy, để bảo đảm phù hợp chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và sự chuyển giao nhiệm vụ quản lý giữa các bộ, ngành như đã nêu trên, dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng trao thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cho các chức danh cấp cơ sở như Trưởng Công an cấp xã thay cho một số chức danh cấp huyện như Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh việc phân quyền cho cấp cơ sở, dự thảo luật quy định thống nhất một chủ thể có thẩm quyền lập hồ sơ, quyết định chuyển hồ sơ đề nghị TAND áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là Công an cấp xã. Theo đó, tại các khoản 18, 20 và 22 dự thảo luật quy định trong trường hợp người vi phạm do cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thì cơ quan, đơn vị đang thụ lý vụ việc hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho Công an cấp xã có thẩm quyền để lập hồ sơ đề nghị TAND áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Giới hạn thời hiệu xử phạt VPHC tối đa không quá 3 năm
Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử phạt VPHC trong hầu hết các lĩnh vực là 1 năm (một số lĩnh vực là 2 năm), tính từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, đồng thời, thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt VPHC. Tuy nhiên, hiện nay, đối với một số vụ việc phức tạp, khi cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hồ sơ đến để xử phạt VPHC thì thời gian đã vượt quá thời hạn nêu trên, dẫn đến không thể xử lý hành vi vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình của Chính phủ.
Do vậy, theo ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cần thiết phải sửa đổi quy định về thời hiệu trong trường hợp xử phạt VPHC đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến, theo hướng quy định thời hiệu cụ thể là 6 tháng, kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm. Đồng thời, giới hạn tối đa không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Riêng VPHC về thuế, kiểm toán độc lập, việc xác định thời hiệu xử phạt VPHC sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật trong hai lĩnh vực này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, trước thực trạng tình hình VPHC về trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra còn phổ biến, các đối tượng vi phạm lợi dụng “kẽ hở” trong quy định về chu kỳ kiểm định và thời hiệu xử phạt VPHC để cố tình trốn tránh trách nhiệm, dự thảo luật quy định thời hiệu xử phạt VPHC đối với lĩnh vực này là 3 năm, nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo đảm thống nhất với lĩnh vực quản lý nhà nước khác.
Đại biểu dự phiên họp.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt VPHC đối với vi phạm. Tuy nhiên, đề nghị không sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tăng từ 1 năm lên 3 năm vì VPHC cần được xử lý kịp thời để nhanh chóng lập lại trật tự quản lý hành chính bị xâm phạm, đồng thời răn đe và giáo dục người vi phạm cũng như cộng đồng. Theo cơ quan thẩm tra, việc tăng thời hiệu có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong phát hiện, xử lý VPHC…
Tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực
Bên cạnh đó, dự thảo luật dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành trong một số lĩnh vực (phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; ANTT, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng) để tăng tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực “nóng”, xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm khả năng thi hành trong thực tiễn, không tạo ra áp lực quá lớn đối với người vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Thẩm tra về lĩnh vực này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Đối với đề nghị bổ sung một số lĩnh vực mới, đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực. Về việc tăng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong Luật hiện hành, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phù hợp khi sửa toàn diện Luật.
Rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ
Tờ trình của Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật XLVPHC (tại khoản 27 Điều 1 dự thảo luật) theo hướng bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện.
Quy định cụ thể những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ (như: thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật đối với loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản phù hợp). Những quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ thời gian qua; đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.
Nhật Minh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/sua-doi-nhieu-quy-dinh-moi-ve-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-nang-tham-quyen-cua-truong-cong-an-xa-i766680/