Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định mới là sự điều chỉnh chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), trong đó bao bì của kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai sẽ không phải thực hiện trách nhiệm tái chế như quy định trước đây.
Nghị định số 05 sửa đổi, trách nhiệm tái chế áp dụng cho các nhóm sản phẩm và hàng hóa.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm tái chế sản phẩm và bao bì áp dụng đối với 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa: săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế), điện và điện tử, phương tiện giao thông.
Đồng thời, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải được áp dụng với 5 nhóm sản phẩm, bao bì, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá và một số sản phẩm nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giày dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilon khó phân hủy.
Tuy nhiên, theo quy định cũ, nhà sản xuất và nhập khẩu kẹo cao su phải thực hiện cả hai trách nhiệm: tái chế bao bì và thu gom, xử lý chất thải. Điều này dẫn đến bất hợp lý khi một sản phẩm phải gánh hai nghĩa vụ.
Để giải quyết vấn đề này, Nghị định 05/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, quy định rằng nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su không phải thực hiện trách nhiệm tái chế đối với bao bì của sản phẩm này.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nếu nhà sản xuất, nhập khẩu đưa bao bì ra thị trường nhưng sau đó thu hồi và đóng gói để tiếp tục đưa ra thị trường (chủ yếu đối với sản phẩm nước và đồ uống đóng chai), họ không phải thực hiện trách nhiệm tái chế đối với bao bì đó.
Một điểm quan trọng trong Nghị định là việc xác định trách nhiệm tái chế bao bì dựa trên doanh thu từ các sản phẩm có bao bì phải tái chế, không tính doanh thu từ các sản phẩm khác hoặc giá trị nhập khẩu.
Quy định này giúp áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) một cách công bằng và minh bạch, đặc biệt là với các doanh nghiệp có sản phẩm tiêu dùng trực tiếp liên quan đến bao bì tái chế.
Thêm vào đó, Nghị định cũng cho phép nhà sản xuất, nhập khẩu bảo lưu khối lượng tái chế trong năm 2024 và tính vào kết quả tái chế của năm 2025 nếu đã thực hiện đúng kế hoạch tái chế trong năm 2024.
Đối với các doanh nghiệp lựa chọn đóng góp tài chính thay vì trực tiếp tái chế, khoản đóng góp này sẽ được thực hiện trước ngày 20/4 hàng năm.
Nghị định cũng thay đổi quy cách tái chế, theo đó không yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu hoặc nhiên liệu thu hồi. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp tái chế phù hợp cho từng sản phẩm, bao bì, tạo điều kiện cho nhà sản xuất lựa chọn phương án tái chế tối ưu và tiết kiệm chi phí.
Thời điểm thực hiện trách nhiệm tái chế cũng được điều chỉnh trong Nghị định. Trách nhiệm tái chế sẽ được thực hiện sau khi kết thúc năm và tính theo số lượng thực tế sản phẩm đã sản xuất, nhập khẩu và đưa ra thị trường, thay vì áp dụng từ đầu năm như trước đây. Điều này tạo thêm thời gian cho doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tái chế và báo cáo kết quả chính xác.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định dựa trên vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom, mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội. Trong ba năm đầu tiên, tỷ lệ tái chế bắt buộc sẽ được quy định cụ thể và tăng dần mỗi ba năm một lần nhằm đạt được mục tiêu tái chế quốc gia.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại của nhà sản xuất, nhập khẩu khác để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc. Tuy nhiên, phế liệu nhập khẩu, bao bì từ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp, hoặc sản phẩm lỗi trong quá trình sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc.
Để đảm bảo tính minh bạch, Nghị định yêu cầu các doanh nghiệp tự kiểm tra và báo cáo kết quả bảo vệ môi trường trước khi thực hiện sản xuất. Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường để cải thiện khả năng truy cập và tìm kiếm thông tin của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng.
Việc ban hành Nghị định 05/2025/NĐ-CP là bước tiến quan trọng trong bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Để các quy định này thực sự đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, giáo dục và đào tạo về bảo vệ môi trường cần được đẩy mạnh.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.
Thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và áp dụng các giải pháp sản xuất sạch là yếu tố then chốt giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
D.Ngân