Sửa đổi quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu

Sửa đổi quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN
Dự thảo Nghị định kế thừa các nội dung quy định tại Nghị định số 86/2021/NĐ-CP còn phù hợp; đồng thời khắc phục một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan; phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số quốc gia.
Nghị định số 86/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2021 quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Đây là căn cứ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục đại học đề nghị báo cáo tình hình thực hiện Nghị định này và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định (nếu có). Tổng cộng có 11 bộ, cơ quan ngang bộ; 44 UBND tỉnh, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo; 98 cơ sở giáo dục đại học và một số cơ quan khác gửi báo cáo bằng văn bản, 260 cơ quan cung cấp thông tin theo hình thức khảo sát trực tuyến, khảo sát trực tiếp tại 6 cơ sở giáo dục đại học (tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ).
Kết quả khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 86/2021/NĐ-CP cho thấy: Bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị định còn một số vướng mắc liên quan đến công tác triển khai tuyển sinh, quản lý du học sinh đi học bằng học bổng ngân sách nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cần bổ sung quy định miễn bồi hoàn chi phí đào tạo đối với du học sinh không hoàn thành khóa học vì lý do bất khả kháng. Nghị định sửa đổi, bổ sung về trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành liên quan theo yêu cầu sáp nhập, tinh gọn bộ máy Chính phủ.
Một trong những điểm mới đáng chú ý được đưa vào dự thảo Nghị định, đó là bổ sung quy định đối với du học sinh hoàn thành chương trình học tập, đủ điều kiện để được cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp nhưng chưa về nước, ở lại nước ngoài tiếp tục học lên trình độ cao hơn hoặc thực tập sau tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định miễn bồi hoàn chi phí đào tạo đối với trường hợp du học sinh không hoàn thành khóa học vì lý do bất khả kháng (sức khỏe, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh); sửa đổi quy định về thời gian hoàn trả chi phí bồi hoàn; cách thức nộp chi phí bồi hoàn; bổ sung trách nhiệm gia đình du học sinh trong việc hoàn trả chi phí bồi hoàn cho Nhà nước.
Các quy định này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý du học sinh đi học bằng học bổng ngân sách nhà nước; bổ sung căn cứ cho cơ quan cử đi học, cơ quan quản lý trực tiếp du học sinh xét miễn bồi hoàn cho du học sinh không hoàn thành khóa học vì lý do bất khả kháng; tăng tính khả thi trong việc thu hồi chi phí bồi hoàn.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về việc thực hiện gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khi hết thời hạn hoặc khi có sự thay đổi về tổ chức, địa điểm hoạt động đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
Cùng với đó, chuyển quy định trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với công tác tuyển sinh, cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật thuộc cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp theo quy định sáp nhập, tinh gọn bộ máy của Chính phủ.
Việt Hà (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/sua-doi-quy-dinh-viec-cong-dan-viet-nam-ra-nuoc-ngoai-hoc-tap-giang-day-nghien-cuu-20250709153344291.htm