Khi vụ việc sữa giả còn chưa lắng xuống, người dân lại bàng hoàng trước thông tin cơ quan công an triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với quy mô lớn. Điều đáng lo ngại là cả hai loại sản phẩm này đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là những đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, người già và người bệnh.
Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Cần xử lý nghiêm những người vi phạm
Bạn đọc Huynhchau…@gmail.com bày tỏ: “Tôi không hiểu nổi, vì sao những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe lại có thể lọt qua bao nhiêu khâu kiểm định, giám sát. Tôi không cần biết tiền kiểm hay hậu kiểm nhưng rõ ràng phải có một cơ quan nào đó có trách nhiệm kiểm soát những mặt hàng được bán ra ngoài thị trường”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Thithuan…@gmail.com bình luận: “Ngoài việc xử lý vi phạm, cần có giải pháp triệt để: minh bạch hóa quy trình sản xuất, phân phối, gắn mã truy xuất nguồn gốc, khuyến khích người dân tham gia phản ánh khi nghi ngờ. Người tiêu dùng không thể chỉ ngồi chờ tin xấu mà phải được bảo vệ chủ động”.
"Làm giả một đôi giày, một chiếc áo gây thiệt hại về kinh tế, nhưng làm giả thuốc, giả sữa chính là coi thường tính mạng của người dân. Đề nghị phải xử lý thật nghiêm những kẻ tham gia vào các đường dây này. Ngoài ra, tôi không hiểu vì sao sai phạm lớn thế nhưng có thể tồn tại rất lâu mới bị phát giác. Nếu cơ quan công an không triệt phá các đường dây này thì sao? Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy đáng sợ" - bạn đọc Minhtran...@gmail.com bày tỏ quan điểm.
Những vụ phát hiện thuốc giả, sữa giả liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.
Nhiều người chưa lưu tâm về tác hại của việc dùng thuốc không đúng cách
Để bảo vệ sức khỏe, nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân nên tự trang bị cách thức để hạn chế việc sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời chỉ nên sử dụng sữa, thuốc, thực phẩm chức năng... khi cần thiết.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, cho biết nhóm “thực phẩm bổ sung” (Supplemented Food) thông thường sẽ bổ sung thêm vi chất có lợi hoặc giảm bớt thành phần có hại (ví dụ: đường cho người tiểu đường, cholesterol cho người tim mạch…).
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM.
Tuy nhiên, nếu sản phẩm không đạt chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng, người tiêu dùng sẽ không nhận được lợi ích sức khỏe như kỳ vọng, thậm chí bệnh có thể diễn tiến xấu hơn.
"Không phải ai cũng cần đến các sản phẩm bổ sung, với người có sức khỏe tốt, việc sử dụng sữa công thức hay thực phẩm chức năng là không cần thiết. Một chế độ ăn lành mạnh và lối sống tích cực là đủ để duy trì sức khỏe", Tiến sĩ Phan Thế Đồng lưu ý.
Trong khi đó, liên quan đến thuốc giả, dược sĩ chuyên khoa I Võ Hiền Vinh, Giảng viên Khoa học sức khỏe, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông, cho biết việc sử dụng thuốc giả không chỉ gây thất bại trong điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, đặc biệt với những người mắc bệnh mạn tính hoặc cần điều trị lâu dài.
Đơn cử như việc thuốc chữa bệnh giả thường không chứa hoạt chất hoặc chứa không đủ hàm lượng cần thiết, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Điều này khiến bệnh không được kiểm soát, tiến triển nặng hơn và có thể dẫn đến tử vong.
Đáng chú ý, việc sử dụng thuốc kháng sinh giả hoặc kém chất lượng không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Từ đó làm giảm hiệu quả của các kháng sinh hiện có, gây khó khăn trong điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Thường xuyên tiếp xúc với người bệnh đến mua thuốc, dược sĩ Nguyễn Minh Hoàng (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết nhiều người dân chưa thực sự lưu tâm về tác hại của việc không dùng thuốc đúng cách.
Dược sĩ Hoàng khuyến cáo người dân cần chủ động trang bị kiến thức và xây dựng thói quen mua thuốc đúng. Theo ông, để tránh chuyện mua phải hàng giả, tốt nhất nên mua thuốc tại các nhà thuốc, cơ sở y tế uy tín đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
“Người dân tuyệt đối không nên mua thuốc qua mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử, bởi đây là những kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi mua thuốc, cần kiểm tra kỹ các thông tin như số lô, hạn dùng, số đăng ký lưu hành, tem phụ tiếng Việt… Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc nghi ngờ về chất lượng thuốc, nên mang sản phẩm đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý kịp thời”, dược sĩ Hoàng nói.
"Kẽ hở" từ cơ chế tự công bố và hậu kiểm
Đối với sản phẩm là thực phẩm nói chung, Nghị định 15/2018 đã thiết lập cơ chế cho phép các cơ sở sản xuất thực hiện tự công bố (đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn) hoặc đăng ký công bố sản phẩm (đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dùng cho trẻ em,…). Trong đó, một trong các giấy tờ bắt buộc là Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm do Phòng kiểm nghiệm được công nhận cấp.
Theo đó, Cơ quan thẩm quyền sẽ căn cứ theo hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp để cấp phép, chứ không tự mình thực hiện công tác kiểm định chất lượng sản phẩm. Sau khi doanh nghiệp công bố chất lượng, việc hậu kiểm sẽ được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo Luật An toàn thực phẩm 2010 và các quy định khác liên quan tùy thuộc sự quản lý của từng Bộ, ngành đối với sản phẩm.
Đối với thuốc, mặt hàng này cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn. Trước khi bán ra thị trường, thuốc phải được đăng ký lưu hành tại Việt Nam, kèm theo hồ sơ đầy đủ về hành chính và kỹ thuật, trong đó có các tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả, quy trình sản xuất đạt chuẩn, nguyên liệu làm thuốc đạt chất lượng.
Hiện các văn bản pháp luật về việc kiểm tra sản phẩm (như Thông tư 45/2012 của Bộ Công Thương, Thông tư 48/2015 của Bộ Y tế) đều quy định có hình thức lấy mẫu để kiểm nghiệm khi thực hiện kiểm tra. Tuy nhiên lại không quy định trường hợp nào bắt buộc phải thực hiện, thời gian kiểm nghiệm là bao lâu hoặc tiêu chí đánh giá nguy cơ cao để định hướng việc hậu kiểm có trọng tâm. Trong bối cảnh nguồn lực của Cơ quan nhà nước có hạn, điều này có thể tạo nên “kẽ hở” khiến nhiều sản phẩm giả vẫn lọt qua được vòng kiểm soát.
Từ thực tiễn trên, cần hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tăng cường cơ chế hậu kiểm bắt buộc, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, và tăng mức xử phạt để răn đe hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Việc bảo vệ người tiêu dùng, nhất là nhóm yếu thế, phải được xem là ưu tiên hàng đầu trong quản lý thị trường hiện nay.
Luật sư PHÙNG THỊ HUYỀN, Đoàn luật sư TP.HCM
TRẦN MINH - THẢO HIỀN