Sữa giả tràn lan: Lỗ hổng hậu kiểm và bài học đắt giá

Sữa giả tràn lan: Lỗ hổng hậu kiểm và bài học đắt giá
một ngày trướcBài gốc
Chồng chéo trong quản lý: Cơ hội để sữa giả lộng hành
Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất và phân phối 573 loại sữa giả, chủ yếu là các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và người bệnh. Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, hai doanh nghiệp đứng sau vụ việc, đã hoạt động suốt 4 năm, đưa hàng trăm loại sản phẩm không đạt chuẩn ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
Vụ việc này không chỉ gây hoang mang với người tiêu dùng mà còn đặt ra dấu hỏi lớn trong công tác quản lý thị trường và giám sát an toàn thực phẩm, bởi 4 năm qua hàng trăm nghìn sản phẩm giả, chất lượng kém đã trót lọt đến tay người tiêu dùng.
Một sản phẩm trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả vừa bị cơ quan chức năng triệt phá
Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và ủy ban nhân dân các cấp được quy định tại các Điều 62,63,64 và 65; Trách nhiệm "Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm" được quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm.
Theo Nghị định 15/2018 (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP), đa số các thực phẩm đều được đơn vị sản xuất tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và sản phẩm đã được công bố là mới về công dụng, thành phần hoặc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Đối chiếu quy định, UBND cấp tỉnh là đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
“Đối với sữa chế biến thường, hiện UBND cấp tỉnh giao cho sở Công Thương quản lý; còn sữa bổ sung giao cho sở Y tế. Với việc đã phân cấp về cho địa phương, Cục ATTP hiện chỉ tiếp nhận công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Do đó, nếu xảy ra vi phạm, các địa phương phải chịu trách nhiệm và xử lý”, đại diện Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay.
Lãnh đạo Cục ATTP cho biết, với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Bộ Y tế hằng năm chỉ xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các bộ ngành và địa phương; phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.
Trong khi đó, về trách nhiệm giám sát, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
“Do vậy, Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép và quản lý trực tiếp các sản phẩm do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược Dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh”, ông Linh nói.
Ông Linh nhấn mạnh, theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Rõ ràng, sự thiếu đồng bộ và chồng chéo trong quản lý đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp lợi dụng, khiến hàng trăm nghìn sản phẩm giả lưu hành mà không bị phát hiện. Vậy đâu là lối thoát để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và đảm bảo một thị trường thực phẩm an toàn?
Cải thiện hậu kiểm để bảo vệ người tiêu dùng
Việc các cơ quan quản lý dường như "đứng ngoài cuộc" trong vụ sữa giả này cho thấy sự phối hợp lỏng lẻo và những bất cập trong cơ chế hậu kiểm hiện tại. Để ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ các cấp quản lý.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP mới được công bố có nhiều thay đổi, trong đó, bổ sung nhiều quy định trong khâu tiền kiểm. Góp ý về dự thảo này, nhiều cơ quan, tổ chức và đơn vị đã lên tiếng kêu gọi giảm thiểu thủ tục hành chính trong khâu tiền kiểm, đặc biệt đối với thủ tục công bố sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chinh, giám đốc Kim Sơn Farm, đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT) cho rằng, quản lý trên cơ sở các hệ thống tiêu chuẩn phổ quát mà doanh nghiệp phải áp dụng song song với hậu kiểm và quản lý rủi ro như nhiều nước đang áp dụng là cách tốt nhất ít rủi ro nhất, vừa giảm thủ tục cho doanh nghiệp, vừa giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý.
"Có thể nói Luật An toàn thực phẩm là điều kiện cần, quản lý theo đăng ký cơ sở hoặc giấy phép sản xuất nếu có; Còn điều kiện đủ là hậu kiểm, trong đó có kiểm tra truy xuất nguồn gốc, nhật ký sản xuất/canh tác là rất quan trọng để phát hiện vấn đề nếu có", đại diện AFT nói và cho hay: "Khi thông tin minh bạch, cơ quan quản lý, người tiêu dùng cùng giám sát chính là động lực khiến doanh nghiệp phải tuân thủ. Đó là tác dụng của hậu kiểm".
Ông Nguyễn Văn Chinh cũng đề xuất phân biệt chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong ban hành các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra việc thực thi pháp luật an toàn thực phẩm.
Theo đó, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng cụ thể hóa các điều khoản của Nghị định phù hợp theo lĩnh vực quản lý, nhưng phương thức quản lý cần thống nhất trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Các Cục thuộc Bộ kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức chứng nhận độc lập, các phòng kiểm nghiệm và việc thực hiện chức trách tại các Chi cục trên hệ thống số quản lý an toàn thực phẩm.
Các Chi cục an toàn thực phẩm là cơ quan thực thi pháp luật, theo dõi trên hệ thống việc thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý, có đội ngũ thanh tra viên chịu trách nhiệm từng khối ngành hàng hoặc từng khu vực doanh nghiệp với nhiệm vụ tại địa bàn. Kết nối liên thông với hải quan để phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Thực hiện kiểm tra tại chỗ định kỳ, theo kế hoạch hoặc khi phát hiện lỗi thông qua theo dõi nhật ký sản xuất của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan cần thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp xử lý vi phạm một cách nhanh chóng và hiệu quả, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Đồng thời, cần tăng cường tần suất và phạm vi thanh tra, kiểm tra. Không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các cơ quan quản lý cần mở rộng phạm vi kiểm tra đến các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các kênh phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận.
Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tố giác các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, cần nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho người tiêu dùng về cách nhận biết sản phẩm chính hãng, sản phẩm kém chất lượng, cũng như các kênh thông tin để phản ánh khi phát hiện vi phạm.
Các cơ quan truyền thông cần tăng cường vai trò trong việc công khai, minh bạch thông tin về các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm, đồng thời tuyên truyền, giáo dục người dân về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi và bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính răn đe và khả thi trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, bao gồm cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ việc sữa giả tràn lan là một hồi chuông cảnh tỉnh về những lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và xây dựng một thị trường thực phẩm an toàn, lành mạnh, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đến người tiêu dùng. Chỉ khi đó, những sản phẩm đến tay người dân mới thực sự là nguồn dinh dưỡng an toàn và đáng tin cậy.
Lê Minh
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/sua-gia-tran-lan-lo-hong-hau-kiem-va-bai-hoc-dat-gia-163026.html