Sữa giả vào bệnh viện: Người bệnh không có quyền lựa chọn

Sữa giả vào bệnh viện: Người bệnh không có quyền lựa chọn
4 giờ trướcBài gốc
Trước sữa giả ai có thể trở thành người tiêu dùng thông thái?
Một người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận ra loại sữa được kê để mẹ mình phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật nằm trong danh mục 600 nhãn sữa giả cơ quan chức năng vừa công bố. Một người bệnh khác phát hiện sữa mình mua cho con theo đơn của Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn là sản phẩm nằm trong danh sách này. Và, nếu "soi" lại đơn đã được các bệnh viện khác nhau kê, sẽ không ít trường hợp phát hiện ra đã từng phải uống sữa thuộc danh mục sữa giả.
Mỗi khi có những vụ việc lùm xùm trên thị trường hàng hóa, chúng ta đều được nghe cơ quan có chức năng bảo vệ người tiêu dùng nhắc lại một câu quen thuộc đến nhàm chán: "Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái". Đó dường như là cách đơn giản nhất để tìm ra người có lỗi. Nhưng trong trường hợp sữa giả đường đường chính chính vào bệnh viện như vậy, ai có thể trở thành "người tiêu dùng thông thái"?
Bệnh nhân không có cơ hội lựa chọn sữa và thực phẩm bổ sung khi đang điều trị trong bệnh viện
Bệnh nhân ư? Họ làm gì có quyền lựa chọn các sản phẩm bổ trợ khi đang điều trị trong bệnh viện? Họ cũng đâu được tiếp xúc với sản phẩm kê trong đơn trước khi sử dụng? Và đa số người bệnh khi điều trị đặt toàn bộ niềm tin vào bác sĩ, nhân viên y tế, bởi đó là những người hiểu rõ nhất tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, biết bệnh nhân cần gì để phục hồi sức khỏe ở mức cao nhất. Thực tế cũng cho thấy, những bệnh nhân hợp tác tốt với bác sĩ và nhân viên y tế, tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, bồi dưỡng, thì cơ hội phục hồi sức khỏe cũng tốt hơn. Do đó, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong hầu hết các trường hợp không thể trở nên "người tiêu dùng thông thái" vì họ không có quyền lựa chọn.
600 loại sữa giả - làm sao để trở thành người tiêu dùng thông thái?
Vậy phải chăng bệnh viện - nơi mua khối lượng lớn sữa và thực phẩm chức năng - cần trở thành "người tiêu dùng thông thái"? Điều đó không sai, nhưng không dễ để xác định như thế nào là "thông thái". Bởi lẽ, theo Luật Đấu thầu 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2023, gói thầu mua sắm thường xuyên trên 100 triệu đồng đều phải tổ chức đấu thầu, nghĩa là phải soi chiếu với các tiêu chuẩn rõ ràng về hàm lượng, chất lượng, quy cách đóng gói, hạn sử dụng... Khi sản phẩm chưa bị cơ quan chức năng xác định là sữa giả, nếu đáp ứng đủ các yêu cầu theo luật định, thì việc trúng thầu là dễ hiểu. Vì vậy, phát ngôn của hai vị giám đốc hai bệnh viện rằng "bệnh viện cũng là người bị hại" là có lý.
Đấu thầu đa dạng sản phẩm để cả bệnh viện và bệnh nhân đều trở thành người tiêu dùng thông thái
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao giữa "mê hồn trận" sản phẩm sữa, thực phẩm bổ trợ nhập khẩu có, sản xuất trong nước có... tại sao các bệnh viện chỉ chọn sản phẩm của những công ty ít tên tuổi, ít được người tiêu dùng biết đến? Mặc dù, có thể khẳng định, các công ty ít nổi tiếng có sản phẩm gì, doanh nghiệp lớn đều có sản phẩm đó. Nếu trúng thầu do giá bỏ thầu thấp thì vì sao sữa đến tay người bệnh giá không rẻ? Đây có lẽ chính là lỗ hổng khiến sữa giả có cơ hội đường đường chính chính vào các bệnh viện.
Thiết nghĩ, các bệnh viện nên thực hiện đấu thầu nhiều nhãn hiệu sữa, thực phẩm bổ sung có thành phần tương tự nhau để bệnh nhân tự do lựa chọn. Như vậy, cả bệnh nhân và bệnh viện đều có thể trở nên "thông thái" khi có quyền chọn lựa và sẵn sàng chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.
Thu Thùy/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/goc-nhin/sua-gia-vao-benh-vien-nguoi-benh-khong-co-quyen-lua-chon-post1194392.vov