Sửa Hiến pháp để đảm bảo tính bền vững và thích ứng theo yêu cầu phát triển

Sửa Hiến pháp để đảm bảo tính bền vững và thích ứng theo yêu cầu phát triển
3 giờ trướcBài gốc
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng. Một là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Hai là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Theo đó, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan khác trong thời gian 1 tháng, đồng thời tổng hợp các ý kiến góp ý trình Chính phủ trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 chậm nhất ngày 30/6.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) cho biết, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Quốc hội vừa chuẩn bị, vừa tiếp tục thảo luận, cùng lúc đó là thực hiện lấy ý kiến của nhân dân. Theo đại biểu, từ ngày 6/5/2025, bắt đầu lấy ý kiến nhân dân và báo cáo sơ bộ đã ghi nhận ý kiến tuyệt đại đa số là đồng ý.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH Hải Phòng).
PV: Thưa ông, chúng ta đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa Hiến pháp 2013. Ông đánh giá như thế nào về quá trình lấy ý kiến trong một tháng này? Ông có kỳ vọng đây sẽ là đóng góp thực chất và hiệu quả vào việc sửa Hiến pháp?
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi: Chúng ta đều biết rằng, Kỳ họp Quốc hội này có tính chất lịch sử, để giải quyết những vấn đề mang tính lịch sử. Trong đó, tập trung sửa Hiến pháp và những luật liên quan nhằm hoàn thiện những quy định, quy chế mới để phù hợp và vận hành tốt bộ máy theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương - là thể chế hóa và tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa để bộ máy vận hành một cách hiệu lực, hiệu quả.
Phải nói rằng, từ Trung ương đến địa phương và cả cơ quan hoạch định chính sách như Quốc hội cũng chịu sức ép về thời gian. Do vậy cách làm là rất quan trọng.
Thứ nhất, tôi hiểu rằng, chúng ta không phải sửa toàn bộ Hiến pháp mà chỉ sửa đổi kỹ thuật ở khoảng 8-9 điều. Hiện nay dự kiến là 8 điều.
Đây không phải là quá trình sửa toàn bộ Hiến pháp, vì vậy, quỹ thời gian thực hiện tham kiến rộng rãi toàn dân cũng không bắt buộc phải đủ dài như luật định.
Chúng ta cũng đang trong tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, do vậy, cách làm là song hành. Quốc hội chuẩn bị và tiếp tục thảo luận, cùng lúc đó thực hiện lấy ý kiến của nhân dân. Từ ngày 6/5/2025, chúng ta bắt đầu lấy ý kiến nhân dân và theo báo cáo sơ bộ đã ghi nhận ý kiến tuyệt đại đa số là đồng ý.
PV: Việc sửa đổi Hiến pháp được xem là cách để đảm bảo tính bền vững và khả năng thích ứng của Hiến pháp với sự thay đổi của xã hội và các yêu cầu phát triển. Ông có thể phân tích cụ thể về tính bền vững của Hiến pháp sau lần sửa đổi này?
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi: Chúng ta đã có chủ trương thống nhất, công việc đang làm. Bước này là bước hoàn thiện, do vậy, đa phần ý kiến là thống nhất về cách làm, về điều khoản, về những nội dung định hướng sửa đổi, phải sửa đổi, không thể không sửa.
Song cần lưu ý một số vấn đề, thứ nhất là làm sao tránh trùng lặp ngay ở trong những điều sửa và ngay ở Hiến pháp dự kiến sửa đổi với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thứ hai, về mặt sửa thể thức văn bản phải làm sao cho chặt chẽ. Bởi vì, Hiến pháp có “đời sống rất dài”, nó đưa ra những vấn đề hiến định. Còn các nhiệm kỳ Quốc hội và các thời kỳ phát triển khác nhau của đất nước được xác định là vấn đề “từ thực tiễn”.
Về pháp luật, bên cạnh những quy định của pháp luật, còn có thực tiễn của pháp luật. Đối với quốc tế cũng như vậy, như Công ước của Liên Hợp Quốc, các phần thực tiễn pháp luật rất quan trọng. Cụ thể, Công ước Luật biển quốc tế cũng rất tôn trọng các thực tiễn pháp luật ở các vùng biển khác nhau. Đây chính là kinh nghiệm giải quyết thực tiễn của các vấn đề.
Đối với Hiến pháp cũng như vậy. Theo đó, muốn để Hiến pháp có quy định mở nhưng rất chặt chẽ, thì đời sống Hiến pháp phải dài, nhưng trong từng thời kỳ có thể linh hoạt sử dụng các thuật ngữ khác nhau.
Do vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chính là để cụ thể hóa và hiện thực hóa những vấn đề mà Hiến pháp quy định. Điều này bảo đảm tính linh hoạt của một văn bản mang tính hiến định. Nó sẽ thuận lợi trong quá trình vận dụng sau này, không chỉ một thời kỳ này mà còn những thời kỳ khác, với các quyền khác. Và đến lúc sửa đổi cũng sẽ dễ dàng.
PV: Sửa đổi Hiến pháp lần này có đề cập đến các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, là một đại biểu do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, ông có đóng góp như thế nào về nội dung này?
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi: Theo quy định mới, Hiến pháp sửa đổi xác định vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc, cũng như của các tổ chức đoàn thể do Nhà nước thành lập và quản lý. Tôi cho rằng, chữ “trực thuộc” ở đây được hiểu là thuộc quản lý của Mặt trận Tổ quốc.
Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức tập hợp, Mặt trận Tổ quốc mà không tập hợp thì không thành Mặt trận Tổ quốc. Dù đứng ngoài hay đứng trong, chịu sự quản lý của ai thì đều vào “cái mũ của Mặt trận Tổ quốc”. Lần này Hiến pháp cũng như thể chế mới đề cập cụ thể hóa hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Như vậy, vẫn trên cơ sở bảo đảm tính độc lập của các tổ chức để phát huy tính đặc thù và mục tiêu, tính chất riêng biệt của các ngành. Tức là, vẫn có sự khác biệt nhưng cùng chung quản lý. Giống như việc nhân sự hoạt động trong lĩnh vực nào, cấp độ gì, mô hình gì thì vẫn phải chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo.
Về mặt nguyên tắc, quốc gia nào cũng thống nhất quản lý Nhà nước. Thống nhất này không phải là “nhốt về một rọ”, nhưng liên kết với nhau và chịu sự điều phối của Nhà nước. Do vậy, tôi cho rằng, trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc sau này và luật về Mặt trận Tổ quốc nếu cần sửa đổi cũng phải sửa đổi để phù hợp với tinh thần mới. Nghĩa là phải thống nhất quản lý trong khối Mặt trận, nhưng vẫn có thể độc lập hoạt động để phát huy được những đặc thù riêng của từng lĩnh vực.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lê Hoàng/VOV.VN Thực hiện
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/sua-hien-phap-de-dam-bao-tinh-ben-vung-va-thich-ung-theo-yeu-cau-phat-trien-post1201401.vov