Làm nền tảng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp 2013 và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương cũng bộc lộ những nội dung không còn phù hợp với thực tế.
Trong đó, mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc dẫn đến chồng chéo. Do vậy, để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Hiến pháp 2013 có 8 điểm cần phải được bổ sung, sửa đổi.
Bản Hiến pháp đang quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (tại các Điều 9, 10, 84, 96, 101 và 116) và quy định cụ thể về việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 03 cấp là: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Là người tham gia Quốc hội 3 khóa liên tục (khóa XII, XIII và XIV) và trực tiếp có ý kiến góp ý liên quan đến sửa đổi Hiến pháp năm 2013, TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định, sau 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, đặc biệt là trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Do vậy, cần phải sửa những nội dung này nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Cũng theo các chuyên gia, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, cụ thể là Điều 110 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Theo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi, bổ sung trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Bà Bùi Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết: "Thực hiện yêu cầu của Cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy, chúng ta sẽ chuyển từ chính quyền địa phương 3 cấp sang chính quyền địa phương 2 cấp, chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã. Như vậy, quy định của Điều 110 Hiến pháp chắc chắn sẽ phải sửa đổi, bổ sung theo hướng để có thể có nguyên tắc liên quan đến việc phân định lại các đơn vị hành chính".
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, bảo đảm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6/2025, tạo cơ sở hiến định cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV để kịp thời triển khai các công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Khiếu Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/sua-hien-phap-de-tien-hanh-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-327352.htm