Sửa Hiến pháp, làm rõ vai trò của Mặt trận

Sửa Hiến pháp, làm rõ vai trò của Mặt trận
6 giờ trướcBài gốc
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khẳng định như trên tại Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, ngày 21/5.
Phát biểu góp ý tại Hội nghị, luật sư Trương Thị Hòa - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ, Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM) cho rằng, việc sửa đổi Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong điều kiện mới. Trong thực tế hiện nay, đơn vị hành chính ở nước ta đã và đang vận hành theo mô hình ba cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, trong đó cấp huyện chỉ còn giữ vai trò trung gian, không còn phù hợp với yêu cầu quản trị hiện đại và xu hướng chuyển đổi số quốc gia.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Q.Định
Tại khoản 3, Điều 110 Dự thảo Hiến pháp, bà Trương Thị Hòa đề nghị, cần bổ sung cụm từ “dưới tỉnh” sau cụm từ “đơn vị hành chính”, cụ thể bổ sung như sau: “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính dưới tỉnh, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh do Quốc hội quy định”.
Trong khi đó, bà Võ Thị Dung – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, Hiến pháp năm 2013 không có quy định về hệ thống chính trị của nước ta. Nay dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, tại Điều 9 có nêu “MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Vì vậy, bà Dung kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung để làm rõ hệ thống chính trị của nước ta, cụ thể cần thêm: “Hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và MTTQ Việt Nam”. Như vậy sẽ làm rõ nội dung bổ sung ở Điều 9 về phần “là một bộ phận của hệ thống chính trị nước ta”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc Dự thảo Nghị quyết quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo. Điều này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam mà còn làm rõ hơn các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi như tập hợp, đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp mà không làm mất đi tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, cơ chế “chủ trì” và “thống nhất hành động” cần được cụ thể hóa. Nhất là chức năng giám sát, phản biện xã hội cần có cơ chế đảm bảo hiệu quả thực thi mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng hình thức, né tránh còn tồn tại. Bên cạnh việc đồng ý với hướng sửa đổi tại Dự thảo, ông Hậu kiến nghị, trong Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể quy chế phối hợp chi tiết giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên cùng cấp, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong từng lĩnh vực. “Quan trọng là phải thiết lập cơ chế pháp lý hữu hiệu để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được các cơ quan nhà nước tiếp thu, giải trình, xử lý nghiêm túc, có thể xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý trách nhiệm vào Hiến pháp hoặc luật chuyên ngành, cụ thể là Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn…” - ông Hậu mong muốn.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đánh giá, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Quốc hội đang triển khai việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Theo ông Phạm Minh Tuấn, Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng pháp lý cao nhất điều chỉnh các quan hệ chính trị - pháp lý cơ bản của đất nước. Sau hơn 10 năm thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước. “Đến nay, trước yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, định hướng phát triển lâu dài” - ông Tuấn nói.
QUỐC ĐỊNH
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/sua-hien-phap-lam-ro-vai-tro-cua-mat-tran-10306325.html