Sửa Luật Chứng khoán để phù hợp với thông lệ quốc tế

Sửa Luật Chứng khoán để phù hợp với thông lệ quốc tế
13 giờ trướcBài gốc
Với những đề xuất sửa đổi, bổ sung của Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm và dễ dàng hơn khi giao dịch chứng khoán tại Việt Nam
Gỡ bỏ rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài
Luật Chứng khoán là một trong 7 luật trong quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc đã được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi. Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu của việc sửa đổi lần này nhằm tạo môi trường đầu tư an toàn hơn cho các nhà đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng và tính minh bạch của thị trường. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng trở nên phức tạp, quy mô giao dịch ngày càng lớn, việc cập nhật và hoàn thiện các quy định pháp luật là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán về việc thành viên bù trừ được bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán (bao gồm chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở niêm yết/đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán).
Cụ thể, sửa đổi theo hướng cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở và phái sinh. Hay cho phép Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) được thành lập pháp nhân riêng để triển khai CCP - cơ chế bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do VSDC thực hiện.
Thực tế, theo báo cáo tháng 3/2024 của Tổ chức FTSE Russell (Công ty độc lập có nhiệm vụ tạo chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu), một trong những tiêu chí thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được để được nâng hạng lên thị trường mới nổi là Chu kỳ thanh toán, hiện được xếp là hạn chế.
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu “nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” được xác định là một trong các mục tiêu, giải pháp quan trọng nhất tại các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam, nâng cao tính minh bạch, thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp, thúc đẩy sự phát triển an toàn và ổn định của thị trường.
Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam nhằm mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài chính mà rất cần sự phối hợp đồng bộ và kịp thời của các bộ, ngành (nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Nâng tầm vị thế trên trường quốc tế
Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VSDC cho rằng, cần hoàn chỉnh quy định pháp luật, đặc biệt là việc cho phép ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trở thành thành viên bù trừ trực tiếp trên thị trường cơ sở.
“Việc áp dụng mô hình CCP là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình thanh toán bù trừ, cũng như đáp ứng các yêu cầu quốc tế về thị trường chứng khoán”, ông Nguyễn Sơn nhận định.
Hoàn thiện pháp lý để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp nâng tầm thị trường, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 56 của Luật Chứng khoán sẽ bảo đảm ngân hàng thương mại tham gia CCP với vai trò là thành viên bù trừ trên thị trường cơ sở là phù hợp thông lệ quốc tế do tiền, chứng khoán không phải chuyển sang công ty chứng khoán mà chỉ cần chuyển giao vào ngày thanh toán, đáp ứng nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền (DVP).
Do đó, khi các ngân hàng lưu ký được làm thành viên bù trừ sẽ đáp ứng tiêu chí đảm bảo an toàn tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thuận lợi cho việc triển khai cơ chế CCP là một trong những tiêu chí quan trọng để duy trì xếp hạng thị trường chứng khoán sau khi được nâng hạng, góp phần phát triển thị trường chứng khoán an toàn, hiệu quả, bền vững. Giải pháp này cũng giúp cơ chế bù trừ thanh toán của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đồng với cơ chế bù trừ thanh toán của nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới.
Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư và cả chất lượng của nhà đầu tư, với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Các công ty chứng khoán, thành viên thị trường và các doanh nghiệp niêm yết cũng được tiếp cận với dòng vốn đầu tư ngoại lớn đầu tư gián tiếp vào, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước.
Ngoài ra, việc các ngân hàng thương mại làm thành viên bù trừ trong cơ chế CCP cũng thể hiện rõ chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn như các quỹ đầu tư toàn cầu thực hiện đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.
Hiện nay, theo các quy định của EU và Mỹ, tài sản của nhà đầu tư phải được quản lý tại các ngân hàng lưu kỳ mà không được phép chuyển sang chủ thể như công ty chứng khoán. Việc quy định rõ hơn tại Luật chứng khoán đồng nghĩa với việc ghi nhận đây là quyền của ngân hàng thương mại để các đối tượng này có quyền được làm thành viên bù trừ, thể hiện rõ chính sách tạo điều kiện dẫn dắt vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp vào Việt Nam.
Minh Lâm
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/sua-luat-chung-khoan-de-phu-hop-voi-thong-le-quoc-te.html