Sửa Luật Doanh nghiệp: Hạn chế tối đa tình trạng vốn 'ảo', vốn khống

Sửa Luật Doanh nghiệp: Hạn chế tối đa tình trạng vốn 'ảo', vốn khống
8 giờ trướcBài gốc
Chiều 24/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Đáp ứng cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền
Theo Chính phủ, qua rà soát cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp cần phải sửa đổi.
Bên cạnh đó, ngày 30/6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) về phòng, chống rửa tiền và phải thực hiện các hành động khắc phục do FATF chỉ định trong vòng hai năm (đến tháng 5/2025).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp.
Một trong các hành động được FATF đề cập là “xây dựng cơ chế lưu giữ và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân; áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm”.
Do đó, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách để đảm bảo tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở đó, các quy định sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Theo đó, dự thảo đã bãi bỏ 2 nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc xác thực định danh cá nhân trên cơ sở kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ bước đầu mà không ảnh hưởng đến quá trình tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không làm tăng thủ tục hành chính.
Đối với việc đáp ứng cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 24 nội dung về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới về nội dung này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Về quản trị doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 21 nội dung liên quan đến: làm rõ, thống nhất các khái niệm, nội hàm quy định tại Luật để đảm bảo hiệu lực trong thực thi; sửa đổi một số nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của các loại hình doanh nghiệp.
Ngoài ra, sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp.
Góp ý cho dự thảo, nhiều ý kiến tại phiên họp tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật để đáp ứng yêu cầu cấp bách, tháo gỡ ngay các vướng mắc, đáp ứng các cam kết quốc tế như tờ trình đã nêu.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định tại dự thảo Luật khái niệm về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” như quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền về “chủ sở hữu hưởng lợi” để đáp ứng yêu cầu tại khuyến nghị của FATF, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp phải cung cấp thông tin theo các yêu cầu khác nhau tại Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng, chống rửa tiền về cùng đối tượng chủ sở hữu hưởng lợi.
Làm rõ cơ sở đề xuất và tác động của quy định điều kiện khống chế “có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành” để báo cáo Quốc hội.
Kiểm soát chặt chẽ thị trường trái phiếu riêng lẻ
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Cái phương án thiết kế, các quy định phải hợp lý và không tạo thêm áp lực hoạt động của doanh nghiệp.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đảm bảo thống nhất với nội dung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ mới được sửa đổi, bổ sung tại Luật Chứng khoán; đảm bảo quy định chặt chẽ kiểm soát rủi ro, chất lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Đối với quy định về kê khai vốn điều lệ nhằm ngăn chặn tình trạng vốn ảo, dự thảo bổ sung định nghĩa kê khai vốn khống điều lệ là kê khai số vốn lớn hơn số vốn thực tế đã góp tại thời điểm góp vốn.
Quy định này tạo cơ sở pháp lý để xử lý hành vi khai khống, phòng ngừa hiện tượng doanh nghiệp đăng ký vốn ảo rồi huy động lừa đảo nhà đầu tư.
Về quy định kê khai vốn điều lệ, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho rằng, việc kiểm chứng vốn góp hiện chủ yếu dựa trên kê khai và hậu kiểm. Cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể về chứng minh vốn góp, ví dụ như xác nhận của ngân hàng, kiểm toán để quy định này khả thi trong thực tiễn.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các ý kiến đóng góp và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Luật.
Đối với vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đảm bảo tương thích với Luật Chứng khoán sửa đổi tại Luật số 56. Bộ trưởng cho biết, trong Luật số 56 xác định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của công ty đại chúng hay không đại chúng đều là các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rủi ro cao hơn trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép. Do đó, trái phiếu riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư có năng lực tài chính, đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, khả năng phân tích rủi ro...
Quy định tại dự thảo cũng phù hợp thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về quản lý thị trường trái phiếu riêng lẻ, cần giới hạn phạm vi nhà đầu tư tham gia thị trường thứ cấp và sơ cấp.
Về cơ sở đề xuất điều kiện tới tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ có nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành, Luật Chứng khoán cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện giới hạn tỷ lệ hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Do đó, cần thiết bổ sung điều kiện giới hạn nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu với doanh nghiệp không đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ để hạn chế rủi ro thanh toán.
Qua nhiều lần trao đổi thảo luận với các doanh nghiệp, bộ ngành, Bộ Tài chính đề xuất mức 5 lần này với tinh thần vừa thận trọng nhưng vừa không làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Quy định này đã loại trừ đối với doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và công ty chứng khoán, tương tự với doanh nghiệp chào bán cổ phần ra công chúng.
Riêng về kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi, Bộ trưởng khẳng định, quy định này không phát sinh thủ tục hành chính. Hiện nay, hệ thống điện tử của Bộ đã thiết kế trường thông tin này, khi Luật ban hành có thể áp dụng được ngay.
Hoàng Yến
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-doanh-nghiep-han-che-toi-da-tinh-trang-von-ao-von-khong-175281.html