Cục Thuế vừa tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ WB, JICA, GIZ về dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế), nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế hướng đến hiện đại, hiệu quả, tiệm cận thông lệ quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế quản lý thuế trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa then chốt, từ đó sẽ tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân phát triển.
Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Thảo
“Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội với những biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là sự bùng nổ của nền kinh tế số với những loại hình kinh doanh mới, xu thế số hóa giao dịch, yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, yêu cầu cải cách cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Quản lý thuế một cách toàn diện. Những định hướng sửa đổi Luật Quản lý thuế lần này tập trung vào chuyển đổi số, hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế để nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế, chuyển đổi mô hình quản lý thuế theo chức năng sang mô hình quản lý theo đối tượng” - Cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật Quản lý thuế mới sẽ tăng cường quản lý đối với các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, nhất là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử; cải cách triệt để công tác quản lý thuế, chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ”, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ; thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện trên cơ sở phân loại mức độ tuân thủ pháp luật và mức độ rủi ro của người nộp thuế; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính; tăng cường quản lý chống thất thu thuế.
Theo đó, tại hội thảo, Cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị các chuyên gia quốc tế và trong nước cho ý kiến tập trung về kinh nghiệm quốc tế đối với 5 nhóm nội dung:
Thứ nhất, về quản lý tuân thủ đối với người nộp thuế, chế độ ưu tiên đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt.
Thứ hai, quy định để số hóa và tự động hóa các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế.
Thứ ba, quy định về quản lý thuế để tăng cường tính hiệu quả, đặc biệt trong kiểm tra thuế, cách thức kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Thứ tư, kinh nghiệm về quản lý theo đối tượng, phân đoạn người nộp thuế để quản lý hiệu quả và tăng cường hỗ trợ, không gây phiền hà.
Thứ năm, cách thức xây dựng quy trình quản lý tuân thủ tổng thể, các biện pháp quản lý rủi ro và quy trình nghiệp vụ quản lý tuân thủ phù hợp, tương thích với quá trình số hóa.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ WB, JICA, GIZ đã có những chia sẻ cụ thể về kinh nghiệm quốc tế và các thông lệ tốt đến từ các quốc gia như Úc, Nhật… như cơ chế khuyến khích tuân thủ, việc phân đoạn người nộp thuế và đánh giá rủi ro, trao đổi thông tin tự động, hay về nội dung kiểm tra giá chuyển nhượng và giao dịch người nộp thuế, xử phạt vi phạm hành chính…
Các chuyên gia quốc tế tham gia phát biểu trực tuyến. Ảnh: Phương Thảo
Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh về tính tổng quát của văn bản luật. Ông Nguyễn Việt Anh đại diện WB tại Việt Nam cho biết, WB rất quan tâm về những nội dung sửa đổi Luật Quản lý thuế.
Còn ông Risk Fisher, chuyên gia đến từ WB khuyến nghị xây dựng Luật Quản lý thuế nên có tính khái quát cao để đảm bảo tính linh hoạt, lâu dài và thích ứng tốt với thực tiễn. Đối với các vấn đề cụ thể nên đưa vào các văn bản hướng dẫn.
Ông Noguchi Daisuke - chuyên gia đến từ JICA nhấn mạnh về công tác phối hợp trong triển khai Dự án tăng cường quản lý tài chính công với Bộ Tài chính Việt Nam; ông Peter Wenzel - Tư vấn trưởng về thuế của Dự án GIZ; ông Bruno da Silva và ông Maarten De Zeeuw - Chuyên gia của Dự án GIZ cũng đồng quan điểm cho rằng các quy định trong Luật Quản lý thuế chỉ đưa ra những vấn đề mang tính nguyên tắc, tổng quan.
Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định, sẽ tiếp thu nghiêm túc các khuyến nghị, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm xây dựng một hệ thống quản lý thuế hiện đại, minh bạch, công bằng và phục vụ hiệu quả hơn cho người nộp thuế trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập toàn diện.
Bên cạnh các ý kiến tham gia của chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực thuế đã tích cực tham gia thảo luận, trao đổi thẳng thắn về những vướng mắc thực tiễn và đề xuất các nội dung cần được nghiên cứu, làm rõ trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế).
Các ý kiến thống nhất trong nhận định và cho rằng, Luật Quản lý thuế (thay thế) cần phải có tính khái quát cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi triển khai trong thực tiễn không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế trong nước mà sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia quốc tế không chỉ cung cấp góc nhìn đa chiều mà còn là nguồn tham khảo quý báu cho cơ quan thuế trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế).
Thông qua phần trao đổi, các ý kiến đều đánh giá cao sự chủ động, tích cực và cầu thị của đội ngũ cán bộ, công chức Cục Thuế, qua đó khẳng định quyết tâm đồng hành cùng Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), hướng tới một hệ thống pháp luật thuế hiện đại, minh bạch, hiệu quả và tiệm cận thông lệ quốc tế./.
Văn Tuấn