Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc đảm bảo công bằng, phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Khuyến khích minh bạch, làm giàu chính đáng
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Nâng cao khả năng thu hút, giữ chân lao động chất lượng cao
“Trong bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi, việc điều chỉnh chính sách thuế theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế là cần thiết để tạo động lực phát triển cho người lao động và nền kinh tế. Việc có một hệ thống thuế hợp lý cũng giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trong thu hút và giữ chân lao động chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám do thuế suất cao làm giảm thu nhập thực tế”. Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi
Theo cơ quan soạn thảo, các thế hệ Luật Thuế thu nhập cá nhân đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư, khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Bộ Tài chính cho biết, mục đích của việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân lần này nhằm thực hiện mở rộng cơ sở thuế; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế; nghiên cứu điều chỉnh ngưỡng cũng như mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với một số loại thu nhập để đảm bảo phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập và mục tiêu điều tiết của thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến một số khoản giảm trừ đặc thù cho phù hợp với bối cảnh mới; giảm số bậc thuế của biểu thuế suất lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, góp phần đơn giản hóa biểu thuế.
Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn tới đây và thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút nhân lực công nghệ cao, thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, việc sửa đổi luật lần này nhằm đơn giản trong thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế; khắc phục có hiệu quả các bất cập, vướng mắc phát sinh từ việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành để đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Đề xuất rút gọn biểu thuế còn 5 bậc
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) dự kiến sửa đổi, bổ sung 30 điều trên tổng số 35 điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trong đó đều là các quy định về chính sách thuế thu nhập cá nhân, không bổ sung các quy định mới có liên quan đến thủ tục hành chính áp dụng đối với tổ chức, cá nhân. Dự thảo cũng đã lược bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý thuế thu nhập cá nhân đã được quy định tại Luật Quản lý thuế để thống nhất thực hiện theo quy định tại Luật này, nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật lần này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, người nộp thuế là đề xuất điều chỉnh số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân giảm xuống còn 5 bậc, thay vì 7 bậc như hiện hành; đồng thời, thay đổi mức giảm trừ gia cảnh.
Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, việc điều chỉnh biểu thuế theo hướng hợp lý không chỉ giảm áp lực thuế, mà còn tạo động lực làm việc và cống hiến. Khi thuế suất được điều chỉnh phù hợp, người lao động có thu nhập cao sẽ không còn cảm giác bị đánh thuế quá nặng, từ đó sẵn sàng gia tăng thu nhập chính thức thay vì tìm cách lách thuế.
Bên cạnh đó, việc giãn khoảng cách giữa các bậc thuế giúp giảm động cơ né thuế, hạn chế tình trạng chuyển thu nhập sang các hình thức khác nhằm tránh thuế, từ đó góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước một cách bền vững hơn. Việc đơn giản hóa hệ thống thuế cũng góp phần nâng cao tính minh bạch, giúp người dân dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế mà không cần đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ kế toán hay tư vấn thuế, đồng thời giúp cơ quan thuế quản lý hiệu quả hơn.
Phân tích về yếu tố xác định giảm trừ gia cảnh dựa trên khía cạnh công bằng thuế, theo PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), công bằng được xét trên hai phương diện là: Công bằng theo chiều ngang và công bằng theo chiều dọc.
Trong đó, công bằng theo chiều ngang được hiểu là những người như nhau về mọi mặt thì đối xử như nhau về thuế. Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống, không tồn tại những người như nhau “về mọi mặt”. Bởi vậy, trong thực tiễn những người về cơ bản như nhau thì đối xử như nhau về thuế.
Việc giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đảm bảo công bằng theo chiều ngang ở chỗ: Những người có cùng điều kiện hoàn cảnh thì được giảm trừ như nhau khi xác định thu nhập tính thuế.
Công bằng theo chiều dọc được hiểu là những người có khả năng trả thuế cao hơn thì phải trả thuế nhiều hơn. Khả năng trả thuế thể hiện rõ nhất ở mức thu nhập kiếm được và giá trị tài sản sở hữu. Việc giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân đảm bảo công bằng theo chiều dọc thể hiện ở chỗ, việc giảm trừ cho người phụ thuộc giúp phản ánh đúng khả năng trả thuế khác nhau của những người có cùng mức thu nhập nhưng hoàn cảnh gia đình khác nhau.
Chẳng hạn, 2 người có cùng mức thu nhập, nhưng hoàn cảnh gia đình khác nhau, 1 người độc thân, người còn lại có 2 người phụ thuộc phải nuôi dưỡng. Bằng việc áp dụng giảm trừ cho người phụ thuộc thì số thuế phải nộp của người phải nuôi 2 người phụ thuộc thấp hơn số thuế phải nộp của người độc thân. Điều này đảm bảo người có khả năng trả thuế cao hơn thì trả thuế nhiều hơn.
Từ những phân tích ở trên, PGS. TS Lê Xuân Trường đề xuất, trong khoảng 5 năm tới, nước ta vẫn ở nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nên cần chấp nhận xác định mức giảm trừ gia cảnh tương đối cao so với GDP. Theo đó, cần xác định mức giảm trừ bản thân người nộp thuế sao cho đảm bảo tương đương khoảng 1,5 lần GDP bình quân đầu người. Đồng thời, giữ nguyên nguyên tắc giảm trừ mỗi người phụ thuộc bằng 40% giảm trừ bản thân người nộp thuế.
Việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) nhằm cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội về cải cách chính sách thuế, nhất là Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đồng thời, việc hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân và cách tính thuế đối với từng loại thu nhập chịu thuế phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong tuân thủ pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, thúc đẩy cải cách hành chính và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Văn Tuấn