Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng mức GTGC cần có sự linh hoạt hơn nữa để phù hợp với thực tế phát triển
Tuy nhiên, thời điểm trình Quốc hội vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026 khiến không ít ý kiến e ngại, cho rằng thời gian chờ đợi quá dài.
Hiện nay, mức GTGC chỉ được xem xét thay đổi khi CPI biến động trên 20% so với lần điều chỉnh gần nhất. Theo đó, đây là việc đảm bảo sự ổn định và tránh thay đổi chính sách liên tục. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia cách tiếp cận này có thể thiếu nhạy bén trong bối cảnh kinh tế đang trải qua nhiều áp lực, đặc biệt là gánh nặng tài chính đối với người dân.
Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc căn cứ vào biến động của chỉ số giá tiêu dùng để điều chỉnh mức GTGC là đúng luật, nhưng chưa phù hợp với thực tế cuộc sống. Theo ông Được, chờ đến khi CPI tăng 20% mới được xem xét là quá lâu, chưa kể mỗi năm vật giá lại thay đổi.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, CPI đã tăng gần 16%, tiệm cận ngưỡng điều chỉnh. Tuy chưa đủ để kích hoạt quy định hiện hành, nhưng mức tăng này đã phản ánh phần nào sự xói mòn giá trị thực của mức GTGC. Khi CPI tăng nhưng mức GTGC không thay đổi, người nộp thuế thực chất phải đối mặt với áp lực lớn hơn do thu nhập tính thuế thực tế tăng lên. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, nhóm dễ chịu tác động nhất bởi sự thay đổi chi phí sinh hoạt.
Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những vấn đề này cần được sửa đổi trong Luật Thuế TNCN thay thế tới đây. Cũng theo ông Thịnh, phải cho người nộp thuế được trừ lãi vay mua nhà, tiền học hành, khám chữa bệnh của bản thân người nộp thuế và của con cái họ. Đây là những nhu cầu chính đáng, thiết yếu. Có như vậy, người nộp thuế mới yên tâm lao động, sáng tạo và đóng góp cho ngân sách.
Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), mức GTGC cần phải phân theo mức sống thực tế ở từng vùng miền. Cần căn cứ vào lương tối thiểu vùng để có mức GTGC tương ứng. Theo ông Việt, để đảm bảo công bằng, cần tính toán cho khấu trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc.
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát thuế phí và lệ phí cho biết, Bộ Tài chính đang theo dõi sát diễn biến CPI và có thể nội dung này sẽ được đưa ra tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2025 nếu có biến động lớn.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho hay, với mức GTGC, các bước thuế đã được các đại biểu và chính ông nhiều lần nêu rõ là lạc hậu. Tuy nhiên việc điều chỉnh thế nào sẽ phải dựa trên các nghiên cứu, đánh giá cụ thể để đưa ra.
Theo ông Lâm, mức GTGC là nội dung quy định mang tính chi tiết, do vậy trong quá trình sửa luật có thể xem xét, nghiên cứu giao cho Chính phủ quy định cụ thể thay vì đưa vào quy định trong luật. Bởi điều này cũng phù hợp với chủ trương đổi mới trong xây dựng pháp luật hiện nay. Ông Lâm cho rằng, nếu để Chính phủ quy định cụ thể sẽ sát với thực tế và có thể điều chỉnh nhanh, kịp thời hơn. Tất nhiên, nếu quy định như vậy trong luật, phải bổ sung các nguyên tắc cơ bản để Chính phủ căn cứ vào đó để thực hiện.
Việc nâng mức GTGC trong thuế TNCN là một bước đi quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người dân. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống thuế công bằng và minh bạch. Theo đó, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến đóng góp để xây dựng một hệ thống thuế công bằng và minh bạch, giúp người dân và doanh nghiệp cùng phát triển bền vững.
Thái Hoàng