Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế và không chịu thuế

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế và không chịu thuế
4 giờ trướcBài gốc
Tại dự thảo Luật Thuế TTĐB, rượu, bia cũng được điều chỉnh định nghĩa để phù hợp với các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Điểm mới trong quy định đối tượng chịu thuế
Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi mặt hàng chịu thuế TTĐB như sau: Các loại thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm từ thuốc lá được quy định lại theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, bao gồm tất cả các sản phẩm thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi và ngậm. Điều này giúp đồng bộ hóa quy định với pháp luật chuyên ngành và tăng cường kiểm soát các sản phẩm thuốc lá.
Rượu, bia cũng được điều chỉnh định nghĩa để phù hợp với các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hơn việc sản xuất và kinh doanh các loại thức uống có cồn này.
Các loại xe có động cơ dưới 24 chỗ tiếp tục nằm trong diện chịu thuế TTĐB, nhưng lần này quy định được chi tiết hóa, bao gồm các dòng xe như xe chở người, xe chở hàng có cabin kép, và các loại xe tải VAN từ hai hàng ghế trở lên. Việc bổ sung quy định này giúp quản lý hiệu quả các loại xe có xu hướng tiêu thụ cao trong thị trường và có thể gây ảnh hưởng đến môi trường.
Điều hòa không khí công suất dưới 90.000 BTU cũng thuộc đối tượng chịu thuế nếu không phải là loại thiết kế dành riêng cho phương tiện vận tải như ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay. Quy định này đảm bảo tính đồng bộ khi các tổ chức và cá nhân bán hoặc nhập khẩu riêng từng bộ phận của điều hòa (như cục nóng hoặc cục lạnh) vẫn phải chịu thuế TTĐB như sản phẩm hoàn chỉnh.
Tại dự thảo, kinh doanh đặt cược và sân tập gôn cũng được đưa vào diện chịu thuế nhằm kiểm soát các hoạt động giải trí có tiềm năng ảnh hưởng đến đời sống xã hội và các rủi ro về tài chính cho người dân.
Cùng với đó, máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền cho mục đích dân dụng cũng nằm trong diện chịu thuế TTĐB, phù hợp với xu hướng quản lý các mặt hàng cao cấp phục vụ nhu cầu cá nhân của các đối tượng có thu nhập cao.
Đáng chú ý, tại dự Luật, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml là một bổ sung mới trong diện chịu thuế TTĐB. Quy định này nhằm hạn chế tiêu thụ đường và bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời phù hợp với các khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Đáng chú ý, để kịp thời ứng phó với các biến động kinh tế - xã hội, dự thảo Luật giao thẩm quyền cho Chính phủ điều chỉnh đối tượng chịu thuế TTĐB theo từng thời kỳ. Điều này giúp đảm bảo chính sách thuế luôn phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi mang lại những thay đổi đáng kể trong danh mục hàng hóa và dịch vụ chịu thuế, không chịu thuế.
Điều chỉnh và bổ sung đối tượng không chịu thuế
Tại dự thảo Luật Thuế TTĐB, đối tượng không chịu thuế TTĐB cũng được điều chỉnh và bổ sung nhằm minh bạch hóa chính sách và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh và phúc lợi xã hội.
Cụ thể, sửa đổi quy định hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo minh bạch chính sách.
Dự thảo quy định, hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế TTĐB gồm hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, hàng hóa trợ giúp nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp. Các quà tặng từ các tổ chức nước ngoài cho các tổ chức xã hội trong nước cũng được miễn thuế TTĐB trong định mức miễn thuế nhập khẩu.
Hàng quá cảnh, chuyển khẩu và trung chuyển cũng nằm trong diện không chịu thuế TTĐB theo quy định của pháp luật thương mại, quản lý ngoại thương và hải quan, đảm bảo tính linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại quốc tế.
Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu trong trường hợp hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng trong thời gian tạm nhập, tạm xuất, các tổ chức kinh doanh sẽ phải nộp thuế TTĐB, trừ các trường hợp đã được quy định không chịu thuế.
Dự thảo nêu rõ, với phương tiện bay và du thuyền, các loại máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền sử dụng cho kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và cho các mục đích an ninh, quốc phòng, đào tạo, phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, đo đạc bản đồ không thuộc diện chịu thuế. Quy định này giúp chính sách thuế TTĐB tập trung vào các sản phẩm cao cấp phục vụ nhu cầu cá nhân thay vì các phương tiện phục vụ mục đích công.
Dự thảo bổ sung quy định “xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông và chỉ chạy trong khu di tích lịch sử, bệnh viện, trường học” và “xe ô tô chuyên dụng khác theo quy định của Chính phủ” vào đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
Đáng chú ý, dự thảo bỏ quy định miễn thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan hoặc bán trong khu phi thuế quan (ngoại trừ xe dưới 24 chỗ). Điều này giúp mở rộng cơ sở thu thuế và đảm bảo tính minh bạch trong chính sách thuế.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh đối tượng không chịu thuế TTĐB theo từng thời kỳ nhằm đảm bảo chính sách linh hoạt và phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi mang lại những thay đổi đáng kể trong danh mục hàng hóa và dịch vụ chịu thuế, không chịu thuế. Những sửa đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu quản lý kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến bảo vệ sức khỏe người dân và quản lý các mặt hàng cao cấp.
Thẩm quyền linh hoạt của Chính phủ trong điều chỉnh các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế cũng giúp đảm bảo rằng chính sách thuế TTĐB có thể thích ứng kịp thời với các thay đổi của nền kinh tế và xã hội.
Dự thảo Luật Thuế TTĐB gồm 04 chương, 12 điều. Dự thảo Luật đã bám sát theo 07 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý, đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.
Thùy Linh
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/sua-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-sua-doi-bo-sung-doi-tuong-chiu-thue-va-khong-chiu-thue.html