Các dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải đang dẫn đầu về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh tư liệu
Mỗi nơi mỗi khó khăn riêng
Chia sẻ tại Tọa đàm “Giải ngân vốn đầu tư công” do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức vào chiều ngày 28/10 vừa qua, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, mặc dù đang có tỷ lệ giải ngân cao hơn trung bình của cả nước, nhưng là đơn vị thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia, trải dài khắp mọi miền đất nước nên Bộ GTVT cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các công việc cũng như giải ngân.
Nhiều bộ ngành, địa phương giải ngân đạt trên mức bình quân chung
Tính đến hết tháng 10/2024, ước cả nước giải ngân được trên 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Hiện có 15 bộ, cơ quan trung ương và 41 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước; 29 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Những khó khăn, vướng mắc được ông Dũng nêu ra cụ thể như: Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đặc biệt, ông Dũng cho biết, thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ nên đã giảm bớt được nhiều thủ tục. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, nhất là việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.
Còn đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, đặc thù các dự án của ngành Nông nghiệp hầu hết là các công trình thủy lợi, việc thi công phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, mùa vụ. Thế nhưng, với tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đến nay đạt 65,3% đã cho thấy sự bứt phá, vươn lên của ngành khi tập trung vào các dự án trọng điểm để sớm hoàn thành, phục vụ hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Nam, ngành Nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác giải ngân khi dự án đầu tư xây dựng thường kéo dài, các quy định của pháp luật có sự điều chỉnh và việc chuyển tiếp qua các thời kỳ đã gây nhiều khó khăn cho đơn vị trong áp dụng các chính sách pháp luật. Đặc biệt, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là khâu mất nhiều thời gian khi phải xác định nguồn gốc đất đai, quy định chủ sở hữu, định mức chi phí phục vụ công tác GPMB…
Tháo gỡ những nút thắt về thể chế
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở nhận diện được các vướng mắc, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung ĐTC thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích để có các chỉ đạo kịp thời. Cùng với đó, với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn ĐTC, Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch ĐTC năm 2024.
Tuy nhiên theo ông Đức, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đến nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều. Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp.
Nhìn nhận cơ chế chưa đạt đến mức độ tự động giải quyết các vấn đề thủ tục, nhiều thủ tục làm cho công việc trở nên khó khăn hơn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thời điểm hiện tại, điểm nghẽn của điểm nghẽn chính là cơ chế. “Phải làm sao tạo được cơ chế thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC trên mọi điều kiện” – ông Thiên nhấn mạnh.
Từ góc độ đơn vị có kết quả giải ngân nằm trong top đầu cả nước, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ GTVT cũng cho biết, để đạt tỷ lệ giải ngân cao như hiện tại, Bộ GTVT đã phải nỗ lực rất lớn chứ không chỉ là nỗ lực bình thường. “Bộ GTVT phải nỗ lực rất nhiều để thay cho các vướng mắc về thể chế. Do đó, thời gian tới, cần đưa ra thể chế, chính sách rõ ràng để các bộ, ngành chỉ cần nỗ lực thực hiện bình thường cũng đã có thể làm tốt rồi” – ông Dũng bày tỏ.
Trước những chia sẻ của đại diện bộ, ngành, lãnh đạo Vụ Đầu tư cho biết, nhằm hướng tới giải quyết triệt để các vướng mắc cố hữu lâu nay trong giải ngân vốn ĐTC, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án ĐTC để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, như: Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công...
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình sửa các Luật dựa trên nguyên tắc: đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc.
“Việc sửa đổi này được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn mang tính điểm nghẽn đối với việc thực hiện và giải ngân các dự án ĐTC suốt nhiều năm qua” - ông Đức cho biết. Tuy nhiên, trước mắt để giải ngân hết nguồn vốn được giao trong năm 2024, ông Dương Bá Đức bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, địa phương coi việc giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong những tháng cuối năm này.
Có những khoản chi chỉ trong 1 tiếng đã được chuyển đến nhà thầu
Bà Lương Thị Hồng Thúy – Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, để công tác kiểm soát, giải ngân vốn ĐTC được thuận lợi, KBNN đã thực hiện kiểm soát hồ sơ thủ tục thanh toán đối với từng loại vốn theo đúng các quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC và thực hiện giải ngân vốn trong thời gian chậm nhất là 3 ngày làm việc.
Đồng thời, KBNN tăng cường thực hiện nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau. “Vì thế, khi hồ sơ được gửi tới, KBNN thực hiện kiểm tra, nếu hồ sơ, thủ tục đầy đủ, đảm bảo đúng quy định, KBNN sẽ giải ngân đến đối tượng thụ hưởng chậm nhất là trong 1 ngày, có những khoản chi thậm chí chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ là đã được chuyển đến nhà thầu để có tiền chi cho dự án” – bà Thúy cho hay.
Bên cạnh đó, KBNN đã thực hiện giám sát từ xa đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến để kiểm tra những khoản chi nào quá thời gian quy định để có những giải pháp chấn chỉnh cán bộ thực hiện kiểm soát chi tại đơn vị KBNN kịp thời.
Thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra là giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn, KBNN đã và đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống tăng cường giải pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương của cán bộ kiểm soát chi. Đồng thời, KBNN sẽ thành lập các đoàn công tác đi đôn đốc và động viên kịp thời cán bộ kiểm soát chi nâng cao tinh thần trách nhiệm và thời gian để đảm bảo kiểm soát lượng hồ sơ lớn từ nay đến cuối năm 2024./.
Vân Hà