Sửa Nội quy Kỳ họp Quốc hội bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả

Sửa Nội quy Kỳ họp Quốc hội bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả
10 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Sửa đổi, bổ sung 3 nhóm nội dung
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tổ chức rà soát các luật, nghị quyết của Quốc hội có nội dung liên quan, trên cơ sở đó, đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội tập trung vào 3 nhóm nội dung chủ yếu.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long
Sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với Luật số 62/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết có liên quan về tổ chức bộ máy (như các quy định liên quan đến tên gọi, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội; sửa quy định về kỳ họp bất thường/kỳ họp không thường lệ; quy định liên quan đến Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký và việc triển khai các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội…)
Sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm sự phù hợp và tương thích với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 (như các quy định liên quan đến quy trình xem xét, thông qua, trách nhiệm giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận trong kỳ họp Quốc hội…)
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là của Chính phủ trong quy trình lập pháp, lập quy.
Chính phủ và các cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật do cơ quan mình trình. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương; gắn với phát huy trách nhiệm của các cơ quan trong từng khâu của quy trình.
Cơ quan trình chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội
Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long
Theo đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với các nội dung được dự kiến sửa đổi, bổ sung của Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các nội dung mới được sửa đổi của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 178/2025/QH15 về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, các luật, nghị quyết khác có liên quan và các nội dung được sửa đổi, bổ sung.
Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp Quốc hội nhằm bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội; bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền tại kỳ họp.
Khoản 2 Điều 3 của Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về trách nhiệm báo cáo xin phép của đại biểu Quốc hội trong các trường hợp không thể tham dự kỳ họp Quốc hội, phiên họp theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang đẩy mạnh triển khai xây dựng Quốc hội số, bao gồm việc tăng cường ứng dụng công nghệ số phục vụ các hoạt động của Quốc hội.
Do đó, đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định tại khoản này theo hướng việc báo cáo xin phép vắng của đại biểu Quốc hội được thực hiện qua App Quốc hội nhằm tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội và việc tiếp nhận, xử lý thông tin được nhanh chóng, kịp thời.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về thời hạn đại biểu Quốc hội cần báo cáo trước ngày xin nghỉ (trừ trường hợp vắng mặt đột xuất vì lý do sức khỏe hoặc lý do bất khả kháng); chỉnh lý trình tự, thủ tục báo cáo theo hướng đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng hơn, tránh trùng lặp giữa các điểm tại khoản 2 Điều 3 của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Tại Điều 50 của Nội quy Kỳ họp Quốc hội, cơ quan trình đưa ra 2 phương án quy định về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.
Phương án 1, cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các nội dung về kinh tế - xã hội được xem xét, thông qua tại một kỳ họp; trường hợp dự thảo nghị quyết chưa được Quốc hội thông qua thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phương án 2, cơ bản giữ quy định về trình tự, chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý như quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành để bảo đảm tính ổn định trong quá trình thực hiện.
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí với phương án 1 và cho rằng, việc quy định như phương án này sẽ phát huy tính chủ động và trách nhiệm giải trình của cơ quan trình đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định về kinh tế - xã hội, đồng thời, bảo đảm sự tương đồng với những đổi mới trong quy trình xem xét, thông qua luật, nghị quyết quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (liên quan đến trách nhiệm của cơ quan trình và trình tự thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết).
Có ý kiến cho rằng thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV không nhiều, vì vậy đề nghị trong nhiệm kỳ này, vẫn giữ nội dung này như quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành để bảo đảm tính ổn định trong quá trình thực hiện.
H.Ngọc
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/sua-noi-quy-ky-hop-quoc-hoi-bao-dam-tinh-linh-hoat-hieu-qua-10372474.html