Bổ sung quy định phù hợp với phát triển khoa học công nghệ
Phòng Quy phạm (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, do nhu cầu phát triển của khoa học công nghệ và thực tế phát sinh, các quy chuẩn cần được bổ sung sửa đổi hàng năm, phù hợp với thông lệ quốc tế.
QCVN 21:2025 với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện cho các đăng kiểm viên được làm đúng quy định (ảnh minh họa).
Việc bổ sung sửa đổi và ban hành kịp thời quy chuẩn (bao gồm cả QCVN 21:2025/BGTVT) là yêu cầu hàng đầu của công tác đăng kiểm tàu biển, vừa thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các đăng kiểm viên được làm đúng quy định.
Các bổ sung sửa đổi, ngoài việc cập nhật các quy định mới, phù hợp với thông lệ quốc tế còn phải rà soát để bỏ hoặc giảm bớt các quy định không phù hợp với các tàu chỉ hoạt động tuyến nội địa, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, QCVN 21:2025 đã bổ sung quy định cho phép thay đổi nội dung, hình thức kiểm tra, thời hạn kiểm tra trong trường hợp bất khả kháng (như: Thiên tai, ngăn cấm, hạn chế, phong tỏa, dịch bệnh...) do hiện nay chưa có quy định gây khó khăn cho công tác đăng kiểm cũng như doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện nay quy định tàu hạn chế III chỉ được hoạt động cách bờ 20 hải lý, tàu hạn chế II cách bờ 50 hải lý, dẫn đến các tàu chạy tuyến Bắc - Nam phải đi đường cong, kéo dài thời gian và tiêu hao nhiên liệu
Để khắc phục tình trạng này, Quy chuẩn mới đã bổ sung quy định tàu hạn chế III trang bị bổ sung và tàu HC II được hoạt động vùng Vịnh Bắc bộ.
Theo Phòng Quy phạm, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều cách thức kiểm tra đã được áp dụng trong kiểm tra tàu như kiểm tra tiếp cận bằng thiết bị bay không người lái, kiểm tra không cần có mặt của đăng kiểm viên. Tuy nhiên, do quy chuẩn hiện hành chưa có nên không áp dụng được.
Hay có các loại tàu sử dụng công nghệ mới, quy định mới trong khi quy chuẩn chưa được bổ sung cập nhật kịp thời nên không có cơ sở để áp dụng, dẫn đến không khuyến khích được doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới.
Do đó, QCVN 21:2025 đã bổ sung các quy định về kiểm tra tiếp cận bằng kỹ thuật kiểm tra từ xa; bổ sung quy định về kiểm tra không cần có mặt của đăng kiểm viên.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép áp dụng các quy định có liên quan trong các hướng dẫn, quy phạm của các tổ chức phân cấp thuộc Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS) và các hướng dẫn, bộ luật của IMO.
Quy chuẩn QCVN 21:2025 về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2025 (ảnh minh họa).
Gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho chủ tàu, doanh nghiệp
Phòng Quy phạm cho biết thêm, hiện nay, việc kiểm tra máy theo cách truyền thống (5 năm tháo mở máy) đặc biệt khó khăn đối với các tàu cao tốc do không gian buồng máy bé và rất lãng phí trong trường hợp tàu ít hoạt động; trong khi các máy tàu được sản xuất ngày càng hiện đại, trang bị hệ thống chuẩn đoán và giám sát trạng thái.
Do đó, để tạo thuận lợi trong kiểm tra tàu cao tốc, QCVN 21:2025 đã bổ sung quy định về Chương trình bảo dưỡng máy theo tình trạng, cho phép áp dụng hệ thống kiểm tra dựa vào kết quả chuẩn đoán và giám sát trạng thái máy, phù hợp với khuyến nghị của nhà chế tạo.
Bên cạnh đó, quy chuẩn mới cũng bổ sung quy định kiểm tra các loại hình thiết bị đẩy tàu bằng phụt nước và chân vịt xoay dạng azimuth. Do hiện nay, nhiều tàu đã trang bị hệ thống đẩy tàu trên, tuy nhiên, chưa có quy định về kiểm tra, dẫn đến một số tàu lắp chân vịt hiện đại dạng azimuth, tích hợp cả hệ thống lái tàu vẫn phải yêu cầu kiểm tra tháo mở như hệ trục thông thường, không phù hợp, gây khó khăn cho chủ tàu.
Đối với quy định tàu chở dầu có trọng tải từ 8.000 tấn trở lên phải trang bị hệ thống khí trơ hiện đang làm tăng thêm chi phí và khó khăn cho các tàu nội địa, dẫn đến nhiều tàu phải thiết kế dưới 8.000 tấn.
Để tháo gỡ khó khăn trên, tại QCVN 21:2025 đã miễn giảm cho các tàu nội địa, chỉ quy định cho tàu có trọng tải từ 20.000 tấn.
Quy chuẩn cũng miễn trang bị bơm cứu hỏa sự cố cho tàu nội địa (chỉ quy định cho tàu chở hàng lỏng có GT ≥ 3000 hoạt động từ cấp hạn chế II và không hạn chế) do việc trang bị tương đối khó khăn với các doanh nghiệp, chủ tàu; bao gồm cả việc bảo dưỡng, vận hành, trong khi chưa có ghi nhận nào ở Việt Nam liên quan đến sử dụng bơm cứu hỏa sự cố.
Yến Chi