Bộ Tài chính sửa đổi quy định về kinh phí thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững
Thông tư 93/2024/TT-BTC bổ sung quy định về "Chi hoạt động bảo vệ rừng, phát triển rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững".
Theo đó, chi các hoạt động bảo vệ rừng đặc dụng, hỗ trợ phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng, bảo vệ rừng phòng hộ, hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hỗ trợ thực hiện trồng cây phân tán, khoán bảo vệ rừng: Thực hiện theo quy định tương ứng tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Thông tư 22/2024/TT-BNNPTNT quy định một số nội dung về lâm nghiệp thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Chi lập hồ sơ lần đầu, chi quản lý, kiểm tra, nghiệm thu
Thông tư 93/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư số 21/2023/TT-BTC "Chi lập hồ sơ lần đầu, chi quản lý, kiểm tra, nghiệm thu" như sau:
Về đối tượng, Thông tư nêu rõ:
a) Đối với bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng: Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị sử dụng ngân sách được giao kinh phí để thực hiện hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
b) Đối với khoán bảo vệ rừng: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
c) Đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 13 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
Nội dung chi gồm: Chi lập hồ sơ lần đầu, chi quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm và không trùng với các chương trình, dự án khác. Việc tổ chức nghiệm thu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh.
Mức chi đối với bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng: Thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5, điểm e khoản 2 Điều 9 và điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
Mức chi đối với khoán bảo vệ rừng: Thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
Mức chi đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung: Thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
Về nguồn kinh phí, Thông tư quy định:
Đối với khoán bảo vệ rừng: Từ nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho chủ rừng thực hiện bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Đối với bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung: Từ nguồn kinh phí của Chương trình được phân bổ cho các đơn vị, địa phương hàng năm theo quy định của Thông tư này.
Bên cạnh đó, Thông tư 93/2024/TT-BTC cũng bãi bỏ Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư số 21/2023/TT-BTC, bãi bỏ khoản 4 Điều 16 Thông tư số 21/2023/TT-BTC.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2025.
Lan Phương