Sức bật làng Ngol Tă

Sức bật làng Ngol Tă
2 giờ trướcBài gốc
Ký ức buồn
“Khi ai đó gợi chuyện xưa, mình rất ngại nhắc lại. Đó là ký ức buồn. Bố mẹ mình mắc bệnh phong, không chịu được ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh nên lặng lẽ rời làng tìm nơi nương náu. Bây giờ thì thoải mái hơn rồi, làng mình đã khác. Thế hệ con cháu lớn lên khỏe mạnh và đang nỗ lực từng ngày để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”-Trưởng thôn Ksor Blach mở đầu câu chuyện.
4 tuổi, ông Blach theo cha mẹ rời làng cũ đến nơi ở mới và là một trong những công dân đầu tiên của “làng cộng đồng” hay còn gọi là “làng cùi”. Ông Blach giải thích: “Khoảng 20 hộ từ nhiều nơi tập trung về đây. Mỗi gia đình có 1-2 thành viên bị mắc bệnh phong. Đồng cảm vì bệnh tật, mọi người xích lại gần nhau, tìm nơi bằng phẳng, gần giọt nước, rồi cùng chặt cây, cắt cỏ tranh dựng nhà, tạo thành cụm dân cư mới”.
Nhưng cuộc sống ở vùng đất mới với những người đau bệnh không dễ dàng gì. Bệnh tật khiến họ khiếm khuyết và không đủ sức khỏe để khai khẩn đất đai trồng trọt. Vì vậy, cái đói, cái nghèo mãi bủa vây. Một số gia đình rời đi, chỉ còn 5 gia đình bám trụ, chủ yếu là người từ làng Châm Anẻh (phường Chi Lăng) đến.
Anh Blaih đang đổ sân bê tông để chuẩn bị sân phơi cà phê cho vụ thu hoạch tới. Ảnh: Phương Dung
Theo thời gian, “làng cộng đồng” dần đổi thay khi thế hệ con cháu trưởng thành khỏe mạnh. Lớp cháu con thấu hiểu khó khăn vất vả của cha anh càng đoàn kết, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống. Ông Blach là một trong những người đầu tiên của làng chủ động chuyển đổi từ cây mì sang trồng cà phê.
“Thấy người Kinh trồng cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, mình liền học làm theo. Năm 1998, mình mua 100 cây giống cà phê về trồng. Không có tiền mua máy bơm, mình gánh từng thùng nước từ dưới suối lên tưới từng gốc, từng gốc một. Thấy mình làm, một số hộ trong làng sau đó học theo, chuyển diện tích trồng cây ngắn ngày sang cây cà phê. Lần hồi, đời sống của bà con trong làng dần được cải thiện”.
Năm 2003, làng Ngol Tă có quyết định thành lập, thuộc xã Chư Hdrông với hơn 30 hộ dân. Đến đầu năm 2020, sau khi sáp nhập, làng thuộc phường Chi Lăng. Ông Blach được dân làng tin tưởng bầu làm Trưởng thôn từ ngày lập làng đến nay.
“Người làng vừa tiễn biệt 2 người già, cũng là 2 người bị bệnh cuối cùng về với cõi Atâu. Quá khứ bệnh tật hoàn toàn khép lại. Dân làng Ngol Tă quyết cùng nhau viết nên trang mới ấm no nơi ông cha từng một thời đớn đau, nghèo khó dựng lập”-ông Blach chia sẻ.
Không còn nghèo khó
Làng Ngol Tă hiện có 53 hộ với 196 khẩu, trong đó, 48 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Phạm Văn Trang-Công chức Văn hóa-Xã hội phường kiêm Bí thư Chi bộ làng Ngol Tă-cho biết: Đến cuối năm 2021, làng còn 4 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo.
Chi bộ, Ban Nhân dân cùng các chi hội, đoàn thể của làng thường xuyên nắm bắt tình hình, phân tích nguyên nhân và nhu cầu của từng hộ nghèo để có phương án giúp đỡ phù hợp, tham mưu đề xuất với cấp ủy cấp trên.
Với sự hỗ trợ kịp thời về nước sạch, con giống, nhà ở, chuyển đổi nghề nghiệp... làng chỉ còn 1 hộ nghèo và không còn hộ cận nghèo. Theo lộ trình, cuối năm 2024, làng sẽ không còn hộ nghèo.
Bí thư Chi bộ làng Ngol Tă Phạm Văn Trang (bìa trái) tham quan vườn cà phê của gia đình anh Hlơl. Ảnh: P.D
Hộ nghèo duy nhất trong làng là gia đình anh Hyao. Vợ chồng anh Hyao không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Trên cơ sở nguyện vọng của gia đình, làng đề xuất địa phương có phương án giúp đỡ anh Hyao vươn lên thoát nghèo. Theo đó, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ “Vì người nghèo” và các nhà hảo tâm, địa phương hỗ trợ gia đình anh 100 triệu đồng xây dựng nhà “Đại đoàn kết”; đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tặng bồn nước, máy cắt cỏ, gà giống...
“Ngôi nhà mới là niềm mơ ước của vợ chồng mình. Mình sẽ cố gắng lao động để tích lũy mua con heo, con bò về nuôi, có thêm đồng vốn thì mua vài sào đất trồng cà phê”-anh Hyao nêu quyết tâm.
Với tinh thần không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con làng Ngol Tă mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Cùng chúng tôi xuống thăm gia đình anh Hlơl, Trưởng thôn Blach giới thiệu: “Đây là hộ có nhiều cái nhất của làng. Sản xuất kinh doanh vào hàng giỏi nhất; tiên phong đưa giống cà phê mới vào trồng thay thế giống cũ và trồng xen 220 cây sầu riêng. Vườn cà phê của gia đình Hlơl cũng đẹp nhất làng, luôn xanh tốt, năng suất cao. Nhiều hộ dân trong làng thường xuyên đến đây để học hỏi”.
Năm 2018, anh Hlơl quyết định thay thế 500 cây cà phê sau nhà bằng giống TRS1 trồng theo phương pháp đa thân, thả đọt. Tiếp đến, anh ghép cải tạo 500 cây cà phê giống cũ bằng giống cà phê Thiện Trường. “Ưu điểm của cả 2 giống cây này là đều cho năng suất cao. Giống TRS1 cho năng suất bình quân 4-5 tấn nhân/ha; giống Thiện Trường thì cao hơn, 6-7 tấn nhân/ha. Tuy nhiên, để đạt năng suất tối đa thì việc chăm sóc, tưới nước, bón phân cũng đòi hỏi cao hơn”-anh Hlơl chia sẻ. Ngoài chăm sóc vườn cây của gia đình, anh còn nhận chăm sóc 5 ha cà phê cho người họ hàng ở TP. Pleiku.
Trang mới cho làng Ngol Tă
Ngol Tă là 1 trong 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số của phường Chi Lăng. Năm 2023, từ nguồn ngân sách nhà nước, chính quyền địa phương đã triển khai duy tu, sửa chữa 2.280 m đường nhựa từ đầu đường Võ Nguyên Giáp vào làng với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ điện đường chiếu sáng tuyến đường chính của làng với 26 bóng đèn, công trình do Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku làm chủ đầu tư, giúp người dân đi lại thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế tình trạng trộm vặt.
Làng Ngol Tă ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh: P.D
Cũng trong năm 2023, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, làng đã hoàn thiện công trình nhà vệ sinh, mái che hội trường với tổng kinh phí 104 triệu đồng; trong đó, ngân sách phường hỗ trợ trên 69 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp.
Đến nay, hơn 90% tuyến đường nội bộ trong làng đều được bê tông hóa; làng có 2 điểm trường: Mầm non Hướng Dương và Tiểu học Ngô Quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho con em của làng tiếp thu cái chữ. Làng cũng đã có 20 em tốt nghiệp trung cấp, đại học.
Đời sống kinh tế cải thiện là điều kiện để bà con làng Ngol Tă tích cực hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động. Theo ông Blưn-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng: Hàng tháng, người dân tập trung dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. 100% hộ dân trong làng đào hố chôn lấp rác thải, đảm bảo vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Nhân dân đóng góp ngày công, kinh phí cùng làm đường cờ Tổ quốc, đường hoa dọc các tuyến đường; duy trì phong trào thể dục thể thao, văn nghệ và các hoạt động cộng đồng khác.
Bà Hồ Thị Ngọc Huyền-Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng: Làng Ngol Tă hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những công dân đầu tiên của làng bị bệnh phong nên tìm cách sống biệt lập, xa khu dân cư. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của làng. Sau này, nhờ thành phố quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giống, vốn… nên diện mạo của làng dần khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện.
PHƯƠNG DUNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/suc-bat-lang-ngol-ta-post294667.html