Sức bật từ nông thôn mới

Sức bật từ nông thôn mới
7 giờ trướcBài gốc
Xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Mô hình du lịch sinh thái Anh Sáu Miệt Vườn ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Phú An, TP.Bến Cát
Nâng cao đời sống người dân
Đến nay, toàn tỉnh có 38/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3/6 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM và hoàn thành NTM. Điều ấn tượng là các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2024 đa số là vùng xa, xuất phát điểm thấp nhưng nỗ lực về đích sớm. Các xã không chỉ tập trung vào phát triển sản xuất, mà chọn kiểu mẫu về văn hóa, giáo dục, chuyển đổi số gắn với mục tiêu ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM để phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Xã Phú An (TP.Bến Cát) xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu đã thổi thêm luồng sinh khí ấm áp đến vùng quê này. Trên địa bàn xã, nhiều công trình giao thông in đậm dấu ấn của cộng đồng khi người dân đóng góp đất đai, kinh phí, công sức chung tay cùng địa phương xây dựng NTM. Là người cao tuổi, chứng kiến sự phát triển của xã qua các giai đoạn, bà Dương Thị Tân, ở ấp Bến Giảng, tự hào khi nhắc đến những đổi thay của quê hương mình. “Xã Phú An rất vinh dự khi đón nhận danh hiệu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về văn hóa. Nhờ xây dựng NTM mà giờ đây các tuyến đường được bê tông hóa, nhựa hóa, được trồng hoa hai bên đường như tô thêm vẻ đẹp của làng quê. Đời sống của người dân trong xã ngày càng sung túc, ai cũng tự hào vì quê hương phát triển mạnh mẽ”, bà Dương Thị Tân chia sẻ.
Bên cạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xã Phú An còn quan tâm phát triển du lịch sinh thái, du lịch ven sông, với chủ lực là vườn cây ăn trái, lấy tiêu chí văn hóa làm gốc để bứt phá. Xã quy hoạch các khu vực có thể xây dựng khu biệt thự vườn, du lịch sinh thái để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng công trình, kiến trúc phục vụ du lịch; đồng thời hỗ trợ các hộ dân phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch nông nghiệp. Điển hình như mô hình du lịch sinh thái tại quán Anh Sáu Miệt Vườn của ông Trịnh Văn Thông (ấp An Thuận) đang thu hút nhiều người dân đến tham quan, thư giãn dịp cuối tuần. Đây cũng là cách quảng bá hình ảnh nông thôn mới Phú An đến với mọi người.
Với địa hình đồi dốc, gần sông, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, chủ lực là cây ăn trái có múi. Sản xuất nông nghiệp đã đem lại thu nhập ổn định và cuộc sống ấm no cho người dân trong xã. Đây cũng là tiêu chí đưa xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực sản xuất. Hiện diện tích cây ăn trái có múi trên địa bàn xã trên 1.300 ha, với khoảng 200 hộ trồng cây có múi. Xã Hiếu Liêm trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái có múi của tỉnh.
Với sự nỗ lực của các địa phương trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã đưa nông thôn Bình Dương ngày càng đổi mới, năng động và căng tràn sức sống. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt gần 90 triệu đồng/năm. Các xã NTM giờ đây đang cùng hòa nhịp phát triển, hiện diện sự văn minh, đổi mới, ấm no ở vùng nông thôn.
Nâng tầm nông thôn mới
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ chương trình xây dựng NTM với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết hài hòa với lộ trình phát triển đô thị của tỉnh và các huyện, thành phố. Đặc biệt, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội của nông thôn Bình Dương được đầu tư mạnh mẽ, thay đổi nhanh chóng. Khu vực nông thôn trong tỉnh không còn những con đường sỏi đỏ mịt mù bụi bặm, lầy lội, thay vào đó là những tuyến đường nhựa nóng, bê tông thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của doanh nghiệp, người dân. Hệ thống y tế, giáo dục, cơ sở văn hóa, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng… ngày một khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu của cư dân nông thôn. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã chứng tỏ được giá trị thực tiễn, góp phần tạo động lực trong công tác xây dựng NTM của tỉnh nhà.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, Bình Dương đã chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM, đến nay đã có nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được mở rộng, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Theo kế hoạch, năm 2025, chương trình xây dựng NTM sẽ được triển khai đồng bộ trên nền tảng công nghệ số. Dự kiến, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, 100% các địa phương, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hoàn thành các chỉ tiêu về thông tin, truyền thông cũng như hành chính công theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Về phát triển kinh tế số, kế hoạch đặt mục tiêu trong năm 2025 ít nhất 70% số xã trong tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Bình Dương cũng sẽ thí điểm xây dựng từ 1-2 mô hình xã NTM thông minh, hướng tới phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, Bình Dương không có nợ đọng vốn đầu tư các công trình nông thôn mới; bố trí vốn xây dựng nông thôn mới lồng ghép, trong đó ưu tiên đầu tư cho những công trình nước sạch, giao thông, điện, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục… Trong năm 2024, toàn tỉnh huy động được khoảng 2.183 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới, trong đó vốn ngân sách Nhà nước phân cấp hơn 1.256 tỷ đồng.
THOẠI PHƯƠNG - THANH TUYỀN
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/suc-bat-tu-nong-thon-moi-a346151.html