Sức cầu cao, giá vật liệu xây dựng thời gian tới có tăng?

Sức cầu cao, giá vật liệu xây dựng thời gian tới có tăng?
8 giờ trướcBài gốc
Hiện tại, giá xi măng đang dao động từ 69.000 - 220.000 đồng/tấn tùy thương hiệu. Ảnh tư liệu
Giá xi măng, thép ổn định; cát, đá xây dựng tăng nhẹ đầu năm
Khảo sát thị trường cho thấy, giá xi măng đồng loạt tăng thêm 50.000 đồng/tấn vào cuối năm 2024 và giữ ổn định trong tháng đầu năm 2025. Hiện tại, giá xi măng đang dao động từ 69.000 - 220.000 đồng/tấn tùy thương hiệu.
Còn giá thép xây dựng ổn định sau khi trải qua nhiều đợt tăng giảm trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu và khu vực khác nhau. Trong đầu năm 2025, giá thép xây dựng tiếp tục duy trì ở mức ổn định so với cuối năm 2024. Hiện giá thép xây dựng trong nước ghi nhận không có sự biến động đáng kể nào, dao động quanh mức 13.800 đồng/kg.
Giá cát, đá xây dựng cuối năm 2024 có xu hướng tăng mạnh so với đầu năm 2024. Sự tăng giá này chủ yếu do nhu cầu xây dựng tăng cao, đặc biệt là các dự án lớn, hạ tầng. Bên cạnh đó, việc khai thác cát, đá bị hạn chế ở nhiều khu vực để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng gây ra tình trạng khan hiếm cục bộ, đẩy giá lên.
Vào đầu năm 2025, giá cát xây dựng tiếp tục tăng, dao động từ 140.000 - 400.000 đồng/m3 tùy loại. Cụ thể, ghi nhận giá cát xây tăng từ 5 - 10% so với cuối năm 2024. Giá cát san lấp tăng từ 8 - 15% do nhu cầu lớn cho các dự án hạ tầng.
Ngoài ra, giá đá xây dựng cũng có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là các loại đá có kích thước lớn…
Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng, TS. Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, trong mấy năm vừa qua, ngành vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành xi măng, sắt thép. Nguyên nhân chính là thị trường bất động sản không phát triển, trầm lắng, theo đó, đầu ra của ngành vật liệu xây dựng khó khăn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024 thì ngành vật liệu xây dựng có được phục hồi rõ nét hơn so với năm 2023. Những tháng cuối năm 2024 tiêu thụ vật liệu xây dựng có chiều hướng tăng và đến nay vẫn đang giữ được nhịp độ.
Theo TS. Thái Duy Sâm, năm 2024 có lực đỡ của các dự án đầu tư công, Chính phủ thúc đẩy các dự án xây dựng hạ tầng, dự án nhà ở xã hội, giúp thị trường trong nước phục hồi, tạo động lực cho ngành vật liệu xây dựng tăng tiêu thụ. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu vẫn khó khăn, ví như ngành xi măng năm 2024 xuất khẩu giảm so với năm 2023. Đồng thời, thị trường Trung Quốc trước đây nhập xi măng với clinker rất nhiều, năm 2024 đã giảm và năm nay cũng chưa thấy dấu hiệu tăng trưởng.
Nói chung, tình hình chính trị, thương mại thế giới đang phức tạp với nhiều biện pháp bảo hộ, chính sách thuế chống bán phá giá… do đó việc xuất khẩu vật liệu xây dựng năm 2024 cũng như năm 2025 chưa thể bứt phá lên được. Tuy nhiên, tiêu thụ trong nước cuối năm 2024 có dấu hiệu tăng trưởng và năm nay hy vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn.
Nhu cầu thép, xi măng tăng
TS. Thái Duy Sâm cho biết, mấy năm gần đây, Chính phủ có rất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Cùng với đó, một số luật mới có hiệu lực như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… cùng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng đã có dấu hiệu tích cực tác động đến thị trường bất động sản, đây là cơ hội để cho ngành vật liệu xây dựng có thể tăng tiêu thụ sản phẩm. Năm 2025, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, với những lý do như vậy, hy vọng năm nay ngành vật liệu xây dựng sẽ có cơ hội để khởi sắc.
Giá xi măng, sắt thép đầu năm 2025 đến nay vẫn giữ ổn định
TS. Thái Duy Sâm cho hay, về giá bán một số loại vật liệu xây dựng cũng có thay đổi, cuối năm 2024, giá bán xi măng, sắt thép có điều chỉnh tăng vào quý IV/2024, nhưng từ đầu năm 2025 đến nay vẫn giữ ổn định; một số loại vật liệu xây dựng như cát, đá… tăng nhẹ. Các năm trước, thường đầu năm sắt thép tăng giá mạnh, nhưng năm 2025 thang giá đang được duy trì ổn định.
Có thể nói, ngành vật liệu xây dựng nói chung, xi măng, sắt thép nói riêng sẽ phát triển bền vững, việc Chính phủ và các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản nhằm tạo cơ hội cho các ngành liên quan phát triển, trong đó có sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng.
Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam dự báo, có thể trong tháng 3/2025 bước vào mùa xây dựng, nhu cầu tăng mạnh lên thì giá một số vật liệu như sắt thép, xi măng có thể điều chỉnh tùy thuộc vào đầu ra, cũng như tùy thuộc vào giá nguyên liệu sản xuất đầu vào.
“Nhu cầu thép và xi măng 6 tháng đầu năm 2025 sẽ tăng nhưng vẫn chưa mạnh, giá tăng hay giảm tùy thuộc vào sự biến động giá cả của nguyên vật liệu đầu vào, nhưng từ những phân tích và dấu hiệu tích cực trên; 6 tháng cuối năm 2025 nhu cầu thép và xi măng cũng như các loại vật liệu xây dựng khác cho thấy có thể tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2024 và giá có thể tăng lên so với hiện nay” - TS. Thái Duy Sâm nhận định.
Các chính sách thuế của Mỹ ảnh hưởng tới thị trường thép Việt Nam
Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) đưa ra mức dự báo lạc quan năm 2025, dự kiến đạt 1.771,5 triệu tấn, tăng trưởng 1,2% so với năm 2024. Theo một số dự báo, diễn biến và xu hướng giá trên thị trường thép thế giới năm 2025 sẽ bị tác động bởi nhiều nhân tố khó đoán định, gây khó khăn cho các doanh nghiệp thép trong việc nhận định, đánh giá thị trường để chuẩn bị kế hoạch nguyên vật liệu cho sản xuất.
Năm 2025, thị trường thép khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng không chỉ gặp khó khăn từ nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng chậm lại, mà còn tiếp tục chịu thêm áp lực từ thép xuất khẩu của Trung Quốc - quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới và nằm ngay cạnh khu vực ASEAN. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á còn đưa vào hoạt động các nhà máy thép mới khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường khu vực ASEAN càng tăng cao.
Các chính sách thuế của Mỹ sẽ có tác động lớn tới dòng chảy thương mại sản phẩm thép trên thị trường thế giới, có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới thị trường Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, ông Thảo cho rằng, cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ việc ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, kích cầu tiêu dùng, các giải pháp về phòng vệ thương mại, xúc tiến xuất khẩu, cũng như các nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp trong ngành.
Cụ thể là việc điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, kiềm chế lạm phát, tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Hay việc mở rộng room tín dụng cho các doanh nghiệp trong ngành vay vốn với mức lãi suất phù hợp, đồng thời Chính phủ đẩy mạnh có hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung trong năm 2025…
Văn Nam
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/suc-cau-cao-gia-vat-lieu-xay-dung-thoi-gian-toi-co-tang-171028.html