Dải Gaza oằn mình trong khủng hoảng
Chiến dịch "Cỗ xe ngựa của Gideon" được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát động ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến công du Trung Đông mà không dừng chân tại Israel đang bào mòn Dải Gaza vốn đã hứng chịu quá nhiều thương đau.
Israel tuyên bố chiến dịch quy mô lớn này do Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thực hiện nhằm gây ra "áp lực khủng khiếp" lên phong trào Hamas. "Chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động, chiếm thêm lãnh thổ, dọn sạch và phá hủy cơ sở hạ tầng khủng bố cho đến khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn", Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Eyal Zamir ngày 20/5 tuyên bố.
Lực lượng quân đội Israel điều quân tiến vào Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo Reuters, trong 8 ngày qua, các hoạt động quân sự của Israel đã khiến hơn 500 người tại Dải Gaza thiệt mạng, với nhiều đợt tấn công nhằm thẳng vào khu dân cư, trường học hay bệnh viện.
Trong đó, các cuộc không kích dồn dập của Israel trong 24 giờ qua đã cướp đi sinh mạng của 55 thường dân, bất chấp áp lực quốc tế đang gia tăng nhằm chấp dứt các hoạt động quân sự và cho phép cung cấp viện trợ tại đây. Tính từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công trên bộ và trên không, gần như toàn bộ 2,3 triệu cư dân Gaza phải di dời và hơn 53.000 người đã thiệt mạng, cơ quan y tế Dải Gaza xác nhận.
Chiến dịch tấn công dữ dội kéo theo cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng. Trong diễn biến mới nhất, Israel tuyên bố 93 xe tải từ Israel đã vào Gaza trong ngày 20/5. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã hoan nghênh việc Israel cho phép viện trợ nhân đạo quay trở lại khu vực bị xung đột tàn phá này sau hơn 2 tháng bị phong tỏa hoàn toàn.
Liên hợp quốc (LHQ) cùng ngày xác nhận đã được phép gửi hàng cứu trợ lần đầu tiên kể từ khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn hôm 2/3. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - ông Stephane Dujarric - nói chỉ "vài chục" xe được phép vào Gaza trong ngày 20/5, đồng thời đề cập tới những khó khăn trong việc tiếp nhận hàng cứu trợ, bao gồm cả việc kiểm duyệt và phân phối. Số lượng hàng hóa này cũng được ví như "muối bỏ bể" khi LHQ ước tính cần ít nhất 500 xe tải chở hàng cứu trợ và hàng hóa thương mại mỗi ngày vào dải đất hơn 2 triệu dân này.
Sức ép từ châu Âu liệu có đủ?
Trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày một gia tăng tại Gaza, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ xem xét lại thỏa thuận hợp tác thương mại với Israel về lệnh phong tỏa này. Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas hôm 20/5 tuyên bố phần lớn các ngoại trưởng từ 27 quốc gia thành viên của khối đã ủng hộ việc rà soát Thỏa thuận Liên kết giữa EU và Israel - khuôn khổ điều chỉnh quan hệ thương mại và hợp tác chính trị giữa hai bên.
Ngoài ra, EU cũng đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt những người định cư Israel có hành vi bạo lực tại những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Việc xem xét lại Thỏa thuận EU-Israel không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Nếu được kích hoạt, đây sẽ là một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất mà Brussels sử dụng để gây sức ép nhân quyền với Israel. Giới phân tích cho rằng, một sự sụp đổ quan hệ toàn diện Israel-EU là khó xảy ra, nhưng sự rạn vỡ niềm tin đã bắt đầu lộ rõ.
Trong hành động cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Israel, Anh đã đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại tự do với quốc gia Trung Đông này và tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với những người định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Phát biểu trước Quốc hội Anh, Ngoại trưởng David Lammy nhấn mạnh: "Thủ tướng Israel Netanyahu hãy chấm dứt lệnh phong tỏa này ngay bây giờ và cho phép viện trợ vào… Chính quyền Tel Aviv đang cô lập Israel khỏi bạn bè và đối tác trên toàn thế giới, làm suy yếu lợi ích của người dân Israel và làm tổn hại đến hình ảnh của nhà nước Israel trong mắt thế giới. Do đó, hôm nay tôi tuyên bố rằng chúng tôi đã đình chỉ các cuộc đàm phán với chính phủ Israel này về một hiệp định thương mại tự do mới. Bộ Ngoại giao cũng đã triệu tập Đại sứ Israel lên để truyền đạt thông điệp này".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết 17/27 quốc gia thành viên EU đã ủng hộ việc xem xét lại quan hệ thương mại với Israel. Trước đó, trong một tuyên bố chung hôm 19/5, Anh, Pháp và Canada cảnh báo sẽ trừng phạt Israel nếu nước này không chấm dứt chiến dịch ở Dải Gaza và bỏ phong tỏa hàng viện trợ nhân đạo. Từ Thụy Điển, quốc gia này xác nhận sẽ gây sức ép với EU để khối này đưa ra lệnh trừng phạt đối với các bộ trưởng Israel.
Phản ứng trước các động thái từ châu Âu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Oren Marmorstein cho rằng hành động của EU "phản ánh sự hiểu lầm hoàn toàn về thực tế phức tạp mà Israel đang phải đối mặt". Người phát ngôn Israel nhấn mạnh áp lực bên ngoài sẽ không làm nước này chệch hướng mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia.
Trong khi khủng hoảng nhân đạo chưa lắng dịu, nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin lại rơi vào bế tắc. Chính phủ Israel ngày 20/5 thông báo rút đoàn đàm phán cấp cao khỏi Doha (Qatar) để "tham vấn", dù vẫn giữ lại nhóm kỹ thuật. Phía Hamas ngay lập tức cáo buộc Israel chỉ "giả vờ đàm phán" trong khi tăng cường tấn công quân sự. Những động thái này đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần có những hành động mạnh mẽ và phối hợp hơn nữa để hạn chế khủng hoảng nhân đạo trên Dải Gaza.
Bảo Hân