Thép xanh - Xu thế phát triển tất yếu
Sản xuất thép xanh sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của ngành thép trong thời gian tới.
Theo cập nhập mới đây về ngành thép của Chứng khoán Rồng Việt, các chuyên gia phân tích nhấn mạnh với việc ngày càng nhiều nước trên thế giới áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, bền vững đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, sản xuất thép xanh sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của các doanh nghiệp thép Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, các sản phẩm thép được sản xuất theo các quy trình giảm thiểu tối đa lượng phát thải khí nhà kính.
Điển hình, Liên minh châu Âu (EU) trước đây áp dụng hệ thống hạn ngạch thuế quan (Tariff Rate Quota - TRQ) với các loại thép nhập khẩu, hạn ngạch được phân bổ theo nguyên tắc “đăng ký trước, cấp trước” (first-come, first-served) hoặc dựa trên lịch sử nhập khẩu của các quốc gia, tùy thuộc vào sản phẩm thép cụ thể và được điều chỉnh hàng năm.
Giá hợp đồng tương lai tín chỉ carbon EU Allowances (USD/tấn) giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, từ quý 2/2025, EU đã giới hạn trần xuất khẩu của từng quốc gia, nhằm siết chặt hơn lượng thép nhập khẩu. Đây cũngg là giai đoạn chuyển tiếp, trước khi EU chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) kể từ năm 2026. Theo đó, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. EU vốn chiếm khoảng 30% sản lượng thép dẹt xuất khẩu của Việt Nam (giai đoạn 2023 - 2024).
Ông Đỗ Thạch Lam - Trưởng phòng Trung tâm Phân tích, Chứng khoán Rồng Việt cho biết, về cơ chế thực thi CBAM, các nhà nhập khẩu hàng vào EU sẽ phải mua tín chỉ carbon dựa trên lượng phát thải. Đây sẽ là một yếu tố thu hẹp lợi thế về giá thành của ngành thép tại châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ lò cao (BOF) vốn có mức phát thải khí nhà kính lớn.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), mức phát thải trung bình của các nhà sản xuất lò cao là khoảng 2,3 tấn CO2/sản phẩm. Giá tín chỉ carbon hiện giao dịch ở mức trung bình 80 USD/tấn, tương đương giá tín chỉ cần mua theo cơ chế CBAM là 184 USD/tấn thép để nhập khẩu vào EU.
Ngành thép Việt tăng tốc giảm phát thải
Một số công nghệ sản xuất thép xanh đang được áp dụng trên thế giới. (Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt)
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thép niêm yết như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Tôn Đông Á (GDA) đã và đang đẩy mạnh việc kiểm kê khí thải nhà máy theo các tiêu chuẩn quốc tế, tối ưu hiệu suất ở các quy trình sản xuất (luyện cốc, luyện gang,…) nhằm từng bước giảm lượng phát thải trên dây chuyền, áp dụng các công nghệ sản xuất mới…
Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát đang có hướng tiếp cận phù hợp, giúp duy trì lợi thế cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường EU sau khi cơ chế CBAM được thực thi, ông Đỗ Thạch Lam đánh giá.
Cụ thể, bên cạnh việc áp dụng các công nghệ sản xuất mới và chi tới 30% vốn đầu tư cho các hạng mục môi trường, Tập đoàn Hòa Phát còn sử dụng nhiệt dư trong luyện cốc, khí than dư thừa trong luyện gang, thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện, giúp giảm lượng phát thải carbon so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương.
Cuối tháng 4/2024, tổ chức BSI (Anh) đã cấp chứng nhận kiểm tra, xác nhận khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018 cho các dòng sản phẩm thép của Tập đoàn Hòa Phát được sản xuất tại Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất.
Trong dài hạn, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam cần hướng tới việc áp dụng toàn bộ công nghệ mới như khử carbon bằng hydro, thu hồi và lưu trữ carbon, dùng sắt khử trực tiếp,… để thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất thép,
Đối với các doanh nghiệp tôn mạ, dù mức phát thải trực tiếp sẽ thấp hơn các doanh nghiệp sản xuất lò cao, các đơn vị đang chú ý tới mức phát thải gián tiếp, bao gồm tiêu thụ nguyên liệu chính là thép cuộn cán nóng (HRC).
Theo ông Đỗ Thạch Lam, các nhà sản xuất tôn mạ sẽ dần chuyển đổi sang việc nhập nguyên liệu từ các nhà sản xuất thép có mức phát thải carbon thấp, sử dụng dây chuyền sản xuất mới đạt tiêu chuẩn của châu Âu như cách Tôn Đông Á dự kiến triển khai nhà máy mới, hoặc đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điển hình, Tập đoàn Hoa Sen đang lắp đặt, khai thác điện mặt trời mái nhà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy, hướng tới mở rộng ra các tổng kho, chi nhánh, cửa hàng trên cả nước. Tập đoàn cũng đã hợp tác với SP Group (Singapore) nhằm triển khai các giải pháp làm mát, giải pháp năng lượng kỹ thuật số để giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam theo Quyết định 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần giảm gánh nặng tài chinh cho các doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng của cơ chế CBAM và các chính sách tương tự, ông Đỗ Thạch Lam cho biết.
Duy Quang