Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua 'Dân vận khéo' huyện Gia Lâm

Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua 'Dân vận khéo' huyện Gia Lâm
3 giờ trướcBài gốc
Nỗ lực và thành tựu
Kể từ khi đăng ký xây dựng mô hình Dân vận khéo năm 2009, đến nay, sau 15 năm, Gia Lâm ghi dấu ấn với 3.845 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 2.261 mô hình tập thể, 1.584 mô hình cá nhân. Các mô hình được xây dựng trên 4 lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Trong 15 năm, huyện đã tổ chức 25 lớp tập huấn chuyên đề về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” cho trên 4.525 lượt học viên là thành viên khối Dân vận từ huyện đến cơ sở; tổ chức 2 lớp học tập chuyên đề về “Công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước” cho 950 lượt học viên là lãnh đạo các phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân huyện, các xã, thị trấn và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Phong trào "Dân vận khéo" góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện Gia Lâm.
Tại hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm Đào Xuân Trường cho biết, qua 15 năm triển khai thực hiện, phong trào đã có những bước phát triển mới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã có sức lan tỏa, tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân. Đã có tổng số 2.261 mô hình tập thể, 1.584 mô hình cá nhân được xây dựng trên 4 lĩnh vực.
Kết quả, đã có 1.291 mô hình tập thể và 871 mô hình cá nhân, trong đó cấp Thành phố là 11 mô hình, cấp huyện là 217 mô hình tập thể, 142 mô hình cá nhân, cấp xã là 1.063 mô hình tập thể và 729 mô hình cá nhân được công nhận điển hình “Dân vận khéo”.
Điển hình như lĩnh vực kinh tế, xã hội. Các địa phương đã tập trung tổ chức thực hiện chương trình phát triển kinh tế toàn diện, từng bước vững chắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện các đề án phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch vùng và đảm bảo môi trường sinh thái; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế phát triển.
Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” đã đi vào những lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế và phạm vi tác động rộng, thực hiện liên doanh, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như: Các tổ nhóm sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất rau, cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đặng Xá, Văn Đức, Yên Thường, Yên Viên, Đa Tốn, Đông Dư, Kim Sơn, Lệ Chi, Dương Xá; 9 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 5 cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, cụm sản xuất làng nghề tập trung hoạt động ổn định; mạng lưới chợ và 1 trung tâm thương mại hoạt động hiệu quả.
Những con đường phong quang, sạch sẽ nhờ công tác dân vận.
Trong thực hiện xây dựng các vùng du lịch trọng điểm, xây dựng phát triển điểm du lịch, đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, phát triển tour tuyến du lịch, hoàn thành 4 điểm du lịch Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá, Kim Lan… đã có 589 mô hình tập thể, 433 mô hình cá nhân được xây dựng.
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong công tác “dồn điền đổi thửa”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành, nghề, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển du lịch… thu hút lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường.
Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động sự tham gia tích cực của nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, sức lao động, xây dựng nông thôn mới,… làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống của người dân.
Đến nay, toàn huyện có hơn 600 hộ dân tham gia hiến trên 61.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, với tổng số tiền đóng góp được trên 398 tỷ đồng làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, kênh mương; đóng góp trên 18.338 ngày công lao động.
Một số mô hình hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, phát huy hiệu quả kinh tế như: Mô hình “Nông dân Gia Lâm thi đua thực hiện 3 nhóm mô hình, 10 phần việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội” của Hội Nông dân huyện Gia Lâm; Mô hình “Phát huy vai trò mô hình kinh tế tập thể” của Hợp tác xã Chử Tâm - xã Văn Đức
Mô hình “Dân vận khéo trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng nhà tư nhân trên địa bàn xã” của Ủy ban nhân dân xã Văn Đức. Mô hình “Vận động nhân dân chuyển đổi trồng lúa, ngô sang trồng hoa, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao” của xã Trung Mầu, vận động chuyển đổi 64,23ha diện tích đất trồng lúa sang trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha;…
Mô hình "Dân vận kheo" của phụ nữ Gia Lâm làm đẹp cảnh quan môi trường.
Phong trào “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội; lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng; lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường, một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình “Vận động phụ nữ đảm nhận trồng, chăm sóc các đoạn đường nở hoa nhằm xóa các điểm nguy cơ tồn đọng rác thải, làm đẹp cảnh quan môi trường trên địa bàn huyện”, “Đưa rác thải đến với hành trình sống xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động đã trồng mới 634 đoạn đường nở hoa với tổng chiều dài là 114.505m, huy động 5.363 ngày công với tổng trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Mô hình “Hàng cây nông dân”, “tuyến đường nông dân kiểu mẫu” của Hội Nông dân huyện phát động, đã trồng 95 hàng cây, 62 tuyến đường tại các xã có chiều dài 55.211 mét, với 8.312 cây xanh bóng mát, trị giá trên 4 tỷ đồng;…
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động
Năm 2024, toàn huyện Gia Lâm có 397 mô hình tập thể, cá nhân đăng ký mô hình “Dân vận khéo”, tập trung định hướng, khảo sát, lựa chọn các công trình mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu gắn biển chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá 83 mô hình “Dân vận khéo” đề nghị đạt điển hình cấp huyện. Đề xuất khen thưởng 2 mô hình “Dân vận khéo” cấp Thành phố, gắn biển 2 công trình “Dân vận khéo” cấp thành phố, 5 công trình “Dân vận khéo” cấp huyện; công nhận 36 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp huyện.
Huyện ủy ban hành và đã triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 194-KH/HU ngày 12/4/2024 về việc tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm năm 2024 chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, với sự tham gia của 14 đơn vị cơ sở, 8 đội tuyển tham dự. Đội tuyển huyện Gia Lâm tham gia Hội thi “Dân vận khéo” Cụm thi đua số 2 của Thành phố đạt giải Nhì.
Huyện Gia Lâm đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm cũng cho biết, công tác triển khai, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, nhất là việc lựa chọn mô hình. Việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc phong trào thi đua “Dân vận khéo” chưa được thường xuyên. Công tác tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng gương điển hình “Dân vận khéo” tại cơ sở còn hạn chế. Cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo ông Đào Xuân Trường, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước để tạo ra phong trào thi đua chung có bề rộng và chiều sâu; giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, hướng tới mục tiêu giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Dự Hội nghị và đánh giá cao những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện Gia Lâm trong 15 năm qua và 9 tháng năm 2024, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đinh Văn Khóa đề nghị huyện Gia Lâm tiếp tục quan tâm tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân để cùng tham gia thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chú trọng lựa chọn xây dựng, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”; xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với thực tiễn của địa phương, thiết thực với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
Gia Lâm là huyện ngoại thành nằm phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Những năm qua, kinh tế huyện tiếp tục phát triển, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng bình quân 11,03%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 ước đạt 75,8 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới tại huyện đạt kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt. Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2018, đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Việc thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần làm nên những thành quả về mọi mặt kinh tế, xã hội huyện Gia Lâm.
Bảo Thoa
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/suc-lan-toa-manh-me-cua-phong-trao-thi-dua-dan-van-kheo-huyen-gia-lam-179465.html