Sức mạnh đoàn kết

Sức mạnh đoàn kết
2 giờ trướcBài gốc
Ngay tại lễ phát động tổ chức tối 5/10, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trao kinh phí ủng hộ các tỉnh khó khăn làm nhà cho hộ nghèo. 5.932 tỷ đồng là tổng số tiền huy động được khi kết thúc chương trình phát động, trong đó 3.287 tỷ đồng huy động tại lễ phát động còn 2.645 tỷ đồng do 61 địa phương huy động. Từ số tiền ủng hộ, những căn nhà tạm, dột nát trong cả nước sẽ dần được thay thế bằng những mái nhà hạnh phúc với nền cứng, khung cứng, mái cứng; người dân có điều kiện an cư.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh san nền đổ bê tông xây nhà mới giúp hộ dân bản Lĩnh, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) sau cơn lũ quét. Ảnh: Trường Long
Sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh với những cách làm sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ yêu thương của toàn dân tộc. Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, truyền thống tốt đẹp của xã hội ta. Gần đây nhất, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên xây dựng Đề án 09 vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên. Mục tiêu Đề án 09 đặt ra là huy động nguồn lực xây dựng trên 8.000 căn nhà đại đoàn kết cho Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc trong đó làm mới 5.000 căn nhà cho người nghèo Điện Biên.
Với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc” đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng chia sẻ, hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo an cư. Và sau 9 tháng thần tốc triển khai, đến ngày 24/1/2024 tỉnh Điện Biên đã hoàn thành, bàn giao 5.000 căn nhà đại đoàn kết để người nghèo được đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn trong ngôi nhà mới, vững chãi. Chương trình về đích trước 3 tháng so với kế hoạch đề ra. Tổng kinh phí thực hiện làm 5.000 nhà đại đoàn kết gần 490 tỷ đồng; trong đó Đề án 09 hỗ trợ 250 tỷ đồng, các hộ gia đình đối ứng bằng tiền hơn 160 tỷ đồng, nguồn vật liệu gia đình tự chuẩn bị quy ra tiền trị giá trên 56 tỷ đồng, cộng đồng hỗ trợ giúp đỡ ngày công quy đổi trên 17 tỷ đồng... Các ngôi nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu chất lượng với 1.800 nhà xây, gần 1.900 nhà gỗ truyền thống, còn lại là nhà khung sắt, diện tích mỗi căn nhà 36m2 trở lên. Được hỗ trợ làm nhà, an cư, hơn 1.130 hộ nghèo của tỉnh thoát nghèo và quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 ước tính giảm còn 23,73%.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh lợp mái tôn giúp hộ dân. Ảnh: Trường Long
Kết quả việc triển khai xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo ở Điện Biên thể hiện sự ưu việt của chế độ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Mô hình, cách làm phù hợp với thực tế đó là vừa huy động nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội và chính những người dân tại cơ sở, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tinh thần đại đoàn kết tiếp tục nhân lên sức mạnh trong phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025. Đây chính là sự cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chỉ thị 34 đặt mục tiêu đến năm 2030 “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.
Năm 2025 là năm có nhiều dấu mốc lịch sử, ý nghĩa: kỷ niệm 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Do đó, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát cần được triển khai, tiếp sức bởi các bộ, ngành, địa phương, các nhà hảo tâm để hoàn thành mục tiêu; quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc xóa đói nghèo.
Qua rà soát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước còn trên 400.000 nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo chất lượng ba cứng. Thực hiện chủ trương của Đảng, giúp người dân an cư, phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đặt mục tiêu vận động, xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước, hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, về đích trước 5 năm so với kế hoạch. Phong trào huy động nguồn vốn xã hội hóa, kết hợp nguồn lực Nhà nước thực hiện 3 nhiệm vụ: hỗ trợ 200.000 nhà ở cho người có công khó khăn từ nguồn ngân sách Nhà nước; hỗ trợ 88.000 nhà cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài hai nhóm hỗ trợ trên, huy động kinh phí xóa nhà tạm, dột nát cho 153.000 nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng kinh phí thực hiện cần khoảng 6.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên thăm, tặng quà hộ nghèo. Ảnh: Đức Linh
Để thực hiện mục tiêu cần có cơ chế huy động nguồn lực, hỗ trợ phù hợp. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi các tập thể, cá nhân, cộng đồng xã hội san sẻ yêu thương, ủng hộ kinh phí, nguồn lực giúp hộ nghèo, cận nghèo cùng với nguồn lực của Nhà nước phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trong năm 2025. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cam kết làm hết sức, công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo kinh phí hỗ trợ đúng người thụ hưởng.
Với sự chung tay, chung sức, đồng lòng, hàng trăm nghìn gia đình đã được sống trong những mái ấm nghĩa tình. Phong trào cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ hoàn thành mục tiêu khi “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” như lời kêu gọi phát động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Hà Anh
Nguồn Điện Biên Phủ : http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/218864/suc-manh-doan-ket