Quang cảnh Ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Tư liệu
Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tháng 12/1944), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng, số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực, trái lại, có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên".
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, trang bị 34 khẩu súng, chia thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung, đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh dấu bước phát triển về tổ chức của lực lượng vũ trang cách mạng, gồm ba thứ quân bước đầu hình thành: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực; đội du kích tập trung của các tỉnh, huyện và lực lượng tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu ở khắp các làng, xã.
Khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu trong vòng một tháng phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội. Người cũng yêu cầu trận đầu nhất định phải thắng lợi vì hành động quân sự đầu tiên này sẽ là nội dung rất tốt của công tác tuyên truyền. Do đó, ngay sau khi ra đời, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân, vừa là đội quân chủ lực để đánh giặc, dìu dắt, giúp đỡ các đội vũ trang của các châu, huyện, xã về huấn luyện, vũ khí, trang bị, giúp các đội vũ trang ấy mau chóng phát triển.
Ngày 27/12/1944, chỉ 5 ngày sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cho ra mắt tờ báo "Tiếng súng reo". Tờ báo được làm dưới dạng thô sơ, có cả tiếng Kinh và tiếng Tày, Nùng, Dao để phát hành trong toàn khu vực Đội hoạt động. Tờ báo có những bản tin vắn tắt về tình hình thời sự trong nước, thế giới; cũng có cả nội dung về buổi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; sơ lược tình tiết, kết quả 2 trận đánh Đồn Phai Khắt, Nà Ngần; 10 lời thề danh dự của Đội... Sự ra đời của tờ báo đã kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện bộ đội, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Đội, tạo niềm tin trong dân trước sự phát triển mạnh mẽ của đội quân cách mạng.
Để cách mạng phát triển xuống miền xuôi thì việc đánh đồn, mở thông huyết mạch giao thông là công việc cần kíp. Đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/2/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đánh trận thứ ba tại Đồn Đồng Mu (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng). Đồn Đồng Mu được xây dựng khá kiên cố, nhiều lô cốt, tường dày, có lỗ châu mai, giao thông hào, thép gai bao bọc. Trong đồn, có nhiều lính khố đỏ do 3 tên sĩ quan Pháp chỉ huy và một số lính dõng... Ta diệt được 20 tên địch, thu 5 súng trường và một số đạn, bắt được 3 tù binh.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 9/3/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chia thành nhiều mũi, có mũi thọc xuống phía Nam đánh chiếm Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông, Chợ Đồn, Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), có mũi tiến công Thất Khê, Bình Gia (Lạng Sơn), có mũi ngược lên biên giới Việt Nam - Trung Quốc hạ một loạt đồn trại từ Trùng Khánh đến Bảo Lạc rồi phát triển sang phía Hà Giang. Cuối tháng 3/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã gặp Cứu quốc quân ở chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên).
Ngày 15/5/1945, Đảng ta thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Lực lượng ban đầu của Việt Nam Giải phóng quân gồm 13 đại đội (thống nhất từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Trung đội Cứu quốc quân) và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện. Việt Nam Giải phóng quân đã có hàng nghìn khẩu súng, có cả súng máy, súng cối 60 ly, có xưởng sửa chữa, chế tạo vũ khí thô sơ. Việt Nam Giải phóng quân cũng đã xuất bản tờ "Quân giải phóng" để tuyên truyền, giáo dục các lực lượng vũ trang cách mạng. Đây chính là đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước khi thời cơ đến.
Nguyễn Văn Toàn