Sức mạnh đồng USD và thách thức trong điều hành tỷ giá

Sức mạnh đồng USD và thách thức trong điều hành tỷ giá
một ngày trướcBài gốc
Trong hai thập kỷ qua, vai trò "thống trị" của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu vẫn duy trì ổn định, bất chấp các biến động kinh tế vĩ mô và xu hướng "phi đô la hóa". Đồng USD "thống trị" ở nhiều lĩnh vực, hoạt động, gồm: hóa đơn thương mại và xuất khẩu, hệ thống thanh toán quốc tế, giao dịch tài chính và ngân hàng toàn cầu, cũng như giao dịch ngoại hối...
Doanh nghiệp chịu áp lực trái chiều
Đồng USD đang giao dịch ở gần vùng đỉnh của chu kỳ tăng giá lần thứ ba. Dù chỉ số DXY điều chỉnh mạnh gần đây xuống 92,27 điểm, do sự bất ổn của chính sách thuế quan và nợ công thiếu bền vững của Mỹ khiến cho niềm tin vào USD lung lay, USD vẫn đang ở mức cao hơn so với trung bình trong quá khứ.
Trong bối cảnh đó, thống kê cho thấy, từ năm 2022 đến nay, VND mất giá khoảng 15%, dù DXY sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp niêm yết lỗ tỷ giá do nợ vay ngoại tệ lớn, đẩy chi phí tăng và bào mòn lợi nhuận, song một số ngành vẫn hưởng lợi từ diễn biến này.
Ngành công nghệ phần mềm với đại diện là FPT hưởng lợi từ biến động tỷ giá, nhờ 46% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, Tập đoàn này ghi nhận mức lãi hơn 500 tỷ đồng nhờ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện.
Ngành vận tải cũng tương quan dương với tỷ giá, trong đó VietJet ghi nhận lãi tỷ giá nhờ doanh thu quốc tế và hoạt động bán - thuê lại máy bay, đạt 83,4 tỷ đồng trong quý I/2025 và tổng cộng 954 tỷ đồng 2 năm gần đây (2023 - 2024). Trong khi đó, Gemadept không có nợ vay USD, các khoản ngoại tệ phát sinh đều liên quan đến hoạt động thu tiền hãng tàu, doanh nghiệp cũng có phòng ngừa rủi ro tỷ giá nên tác động của tiền đồng mất giá không đáng kể.
Ngành dệt may, gần như không bị ảnh hưởng nhờ thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Một số doanh nghiệp như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (PVG) chịu áp lực do vay ngoại tệ.
Theo nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh thu ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 6 - 7% tổng doanh thu các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, chỉ khoảng 52/318 doanh nghiệp có rủi ro liên quan đến tỷ giá một cách thường xuyên và đáng kể.
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có vay nợ bằng ngoại tệ. Doanh nghiệp xuất khẩu thường hưởng lợi nhờ doanh thu bằng USD tăng lên khi quy đổi sang VND. Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu hoặc vay ngoại tệ sẽ chịu áp lực lớn do chi phí nhập khẩu và trả nợ gia tăng khi đồng nội tệ mất giá.
"Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro tỷ giá, như sử dụng hợp đồng kỳ hạn hoặc đa dạng hóa nguồn cung ứng để giảm thiểu tác động tiêu cực" - ông Long bày tỏ.
Giữ ổn định tỷ giá trong bối cảnh bất định
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam nên áp dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt, phản ánh cung cầu thị trường, đồng thời sẵn sàng can thiệp khi cần thiết để ngăn chặn biến động mạnh, bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia. "Duy trì mức dự trữ ngoại hối đủ lớn giúp Ngân hàng Nhà nước có khả năng can thiệp hiệu quả khi thị trường ngoại hối biến động, đảm bảo ổn định tỷ giá và niềm tin của nhà đầu tư. Theo dõi chặt chẽ các dòng vốn quốc tế, đặc biệt là các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn, để giảm thiểu rủi ro từ biến động tỷ giá và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính" - ông Long lưu ý.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, là một nền kinh tế mở quy mô nhỏ, Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ biến động lãi suất và dòng vốn quốc tế. Do vậy, chính sách tiền tệ của Việt Nam cần chủ động, linh hoạt để đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh mới.
Theo ông Huân, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì mức lãi suất cao thường kéo theo USD lên giá, tạo áp lực lên tỷ giá các nước mới nổi, trong đó có VND. Để ổn định tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước có thể kết hợp nhiều biện pháp. Theo đó, duy trì chênh lệch lãi suất VND-USD đủ hấp dẫn thông qua nghiệp vụ thị trường mở, đẩy lãi suất VND lên.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá (hedging) thông qua phái sinh, giảm áp lực lên thị trường giao ngay. "Chúng ta đang đứng trước áp lực về tỷ giá rất lớn trong bối cảnh chính sách thuế quan vẫn chưa rõ ràng, cũng như dự trữ ngoại hối đang xuống khá thấp" - ông Huân lưu ý.
Trong trung hạn, để giảm sự phụ thuộc vào USD, Việt Nam có thể mở rộng sử dụng tiền tệ khác trong thanh toán quốc tế như: Yuan, RMB, JPY thông qua thỏa thuận hoán đổi và thúc đẩy thanh toán bằng VND với các đối tác lân cận. Mặc dù USD vẫn thống trị, nhưng đa dạng hóa sẽ giúp giảm cú sốc nếu USD biến động mạnh.
Kiểm soát dòng vốn ra vào trong giai đoạn biến động
"Điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường có kiểm soát biên độ, cho phép VND mất giá từ từ thay vì neo cứng, tránh cạn kiệt dự trữ. Thực tế, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% để hấp thụ "cú sốc" bên ngoài. Cùng với đó, kiểm soát dòng vốn ra vào trong giai đoạn biến động, có thể áp dụng các biện pháp như hạn chế vay ngoại tệ ngắn hạn, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi ngoại tệ có kỳ hạn, tăng cường thu hút FDI chất lượng và hạn chế dòng vốn nóng đầu cơ. Việt Nam vẫn quản lý tài khoản vốn nhất định, đây là lợi thế để phòng vệ trước biến động nhanh" - PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân.
Ánh Tuyết
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/suc-manh-dong-usd-va-thach-thuc-trong-dieu-hanh-ty-gia-180559-180559.html