Sức mạnh 'quả đấm thép' và bài học về xây dựng quân đoàn chủ lực hiện nay

Sức mạnh 'quả đấm thép' và bài học về xây dựng quân đoàn chủ lực hiện nay
một ngày trướcBài gốc
Việc ta thành lập các quân đoàn chủ lực đã tạo thay đổi lớn về tương quan so sánh lực lượng. Cùng với thành lập Quân đoàn 1, tháng 10-1973, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975-1976. Sau khi ta mở một số chiến dịch và giành thắng lợi, nhận thấy thời cơ đến, Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi vang dội. Các quân đoàn chủ lực vào trận, liên tiếp đánh thắng; địch bị dồn vào thế bị động, thiệt hại nặng. Nắm vững thời cơ chiến lược, ta mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Với yêu cầu đập tan sự kháng cự của địch mà không gây nhiều thiệt hại cho TP Sài Gòn, ta chủ trương sử dụng quân chủ lực mạnh, tiến hành chia cắt chiến lược, bao vây, chặn diệt chủ lực địch ở vòng ngoài, không để chúng co cụm vào trong nội đô; tổ chức các binh đoàn binh chủng hợp thành thọc sâu vào nội thành Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu then chốt, như: Bộ Tổng tham mưu, dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô... của địch. Ta sử dụng 4 quân đoàn chủ lực cơ động (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232, cùng lực lượng đặc công biệt động, tăng thiết giáp, pháo binh, không quân, hải quân, LLVT địa phương, dân quân du kích... tiến hành chiến dịch.
Lữ đoàn Pháo binh 164 (Quân đoàn 12) thực hành diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: HÙNG ANH
Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn trên 5 hướng tiến công: Hướng Bắc là Quân đoàn 1; hướng Tây Bắc là Quân đoàn 3; hướng Đông và Đông Nam là Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2; hướng Tây Nam là Đoàn 232 và hướng Nam là LLVT Quân khu 8. Đến ngày 28-4, quân ta đã đập tan hoàn toàn phòng tuyến vòng ngoài của địch. Ngày 29-4, ta tổng công kích Sài Gòn, tiêu diệt và bẻ gãy các mũi phản kích của địch. Sáng 30-4, quân ta tổ chức thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt. Trưa 30-4, cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Có thể khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các đơn vị của Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) là lực lượng chủ lực, như những “quả đấm thép”, góp phần rất quan trọng làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Từ Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 1 đã xây đắp nên truyền thống “Thần tốc, quyết thắng” và truyền thống của Quân đoàn 2 là “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Đất nước thống nhất đã 50 năm, nhưng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chủ động, sáng tạo, tác chiến hiệp đồng kiên quyết, táo bạo, thần tốc, tạo sức mạnh như những “quả đấm thép” của các quân đoàn chủ lực nói chung, Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 nói riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã để lại nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đoàn 12 thực hành diễn tập bắn đạn thật, tháng 12-2023. Ảnh: HẢI HUY
Quân đoàn 12 là quân đoàn chủ lực cơ động “tinh, gọn, mạnh” đầu tiên của Quân đội ta, được kế thừa truyền thống anh hùng, sức mạnh tổng hợp của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 trước đây. Từ những bài học kinh nghiệm quý trong xây dựng và sử dụng, phát huy vai trò của các đơn vị chủ lực trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Quân đoàn tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội theo hướng "tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng minh sức mạnh của các đơn vị chủ lực nói chung, các quân đoàn chủ lực cơ động nói riêng giữ vai trò quyết định đến thắng lợi trên chiến trường, nhất là trong các chiến dịch lớn. Việc các đơn vị chủ lực được quan tâm xây dựng có sức mạnh tổng hợp và trình độ, khả năng chiến đấu tốt sẽ là lực lượng nòng cốt trong tác chiến bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì thế, Quân đoàn 12 quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong tình hình mới.
Để xây dựng đơn vị “tinh, gọn, mạnh”, Quân đoàn 12 vận dụng, phát huy những bài học kinh nghiệm trong tổ chức lực lượng, hiệp đồng tác chiến, nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo đảm giành thắng lợi của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; triển khai đồng bộ các biện pháp giải quyết những vấn đề khó, nội dung mới; kiên trì thực hiện theo đúng kế hoạch, lộ trình, bảo đảm chặt chẽ, sát thực tế; tổ chức huấn luyện, rèn luyện bộ đội sát điều kiện tác chiến trong chiến tranh hiện đại...
Cơ động chiến đấu tiến công trong diễn tập của Quân đoàn 12, cuối năm 2023. Ảnh: TUẤN HUY
Hai là, phát huy truyền thống "Thần tốc, quyết chiến, quyết thắng", xây dựng Quân đoàn vững mạnh về chính trị, tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.
Yêu cầu Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đặt ra cho Chiến dịch Hồ Chí Minh là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”; tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp; tập trung lực lượng lớn vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng thời điểm có ý nghĩa quyết định. Trước đòi hỏi của nhiệm vụ tác chiến chiến lược, các đơn vị trên toàn chiến trường khẩn trương triển khai mọi mặt công tác chuẩn bị, đặc biệt làm tốt công tác Đảng, công tác chính trị, quán triệt rõ yêu cầu, ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh; làm cho cán bộ, chiến sĩ xác định rõ quyết tâm, nỗ lực vượt gian khổ, hy sinh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 cơ động gần 2.000km, thực hiện “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, phá vỡ phòng tuyến từ xa của địch, vào vị trí tập kết, vị trí xuất phát tiến công đúng thời gian quy định. Theo hiệp đồng, 17 giờ ngày 26-4-1975, các quân đoàn đồng loạt nổ súng tiến công trên 5 hướng, đánh chiếm các cứ điểm, ổ đề kháng của địch, khống chế các con đường, cây cầu quan trọng, đồng thời tổ chức lực lượng thọc sâu (của Quân đoàn 2) đột kích vào thẳng dinh Độc Lập, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa 30-4-1975.
Từ bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 12 xác định việc phát huy truyền thống "Thần tốc, quyết chiến, quyết thắng", xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu là giải pháp cơ bản, quyết định đến hoàn thành nhiệm vụ.
Ba là, kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự, gắn kết chặt chẽ giữa điều chỉnh lực lượng với nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đẩy mạnh xây dựng Quân đoàn cơ động chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Có thể nói, “cuộc hội quân” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh có quy mô lớn nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Việc huy động được nhân lực, vật lực rất lớn cho chiến dịch trong thời gian ngắn cho thấy sự khoa học trong tổ chức chỉ huy, bước phát triển cao về nghệ thuật giành ưu thế tuyệt đối hơn địch ở địa bàn trọng yếu trong thời điểm quyết định; thể hiện trí tuệ, tài thao lược của Bộ Thống soái tối cao.
Từ bài học đó, để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, Quân đoàn 12 tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, SSCĐ cao, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế mới; chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực thực hành, làm chủ vũ khí, trang bị được biên chế và khả năng tác chiến trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, phương tiện kỹ thuật hiện đại trong huấn luyện, diễn tập, bảo đảm sát thực tế chiến đấu; chú trọng rèn luyện khả năng cơ động, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, chịu đựng gian khổ cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Bốn là, tập trung xây dựng Quân đoàn chính quy, mẫu mực, tạo chuyển biến vững chắc, toàn diện về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, sức mạnh “quả đấm thép” của các quân đoàn chủ lực, chính quy, tinh nhuệ đã đè bẹp mọi sự kháng cự của địch. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, phải tiếp tục xây dựng Quân đội hùng mạnh, nhất là các quân đoàn và quân, binh chủng chủ lực chính quy, làm nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân.
Kế thừa những bài học kinh nghiệm trong huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu, Quân đoàn 12 quán triệt và triển khai nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật. Tập trung nâng cao trình độ chính quy trong huấn luyện, SSCĐ, quản lý bộ đội và vũ khí, trang bị kỹ thuật; tăng cường giáo dục pháp luật và các quy định bảo đảm an toàn, tạo chuyển biến vững chắc trong chấp hành điều lệnh, chế độ nền nếp chính quy, không để xảy ra vi phạm pháp luật, kỷ luật, mất an toàn do lỗi chủ quan.
Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn và LLVT tại chỗ, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, tạo thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, do làm tốt công tác hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị bạn và địa phương trong khu vực tác chiến, Quân đoàn 1 và 2 đã nắm bắt kịp thời tình hình, hạ quyết tâm chính xác, tạo được những điều kiện, yếu tố thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ hành quân, phát triển tiến công; đặc biệt là được sự hiệp đồng, chi viện kịp thời của các binh chủng, sự phối hợp chiến đấu của các đơn vị bạn cùng LLVT địa phương để nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Phát huy bài học kinh nghiệm này, hiện nay, Quân đoàn 12 thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, LLVT trên địa bàn đóng quân; nắm chắc tình hình an ninh trật tự, làm tốt công tác dân vận, xây dựng địa bàn và thống nhất, hiệp đồng tác chiến phòng thủ, phòng thủ dân sự. Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, thảm họa, sự cố, tìm kiếm cứu nạn... Chỉ đạo đưa công tác phối hợp hiệp đồng vào quá trình huấn luyện, diễn tập và xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến, tạo điều kiện phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thiếu tướng TRƯƠNG MẠNH DŨNG, Tư lệnh Quân đoàn 12
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/suc-manh-qua-dam-thep-va-bai-hoc-ve-xay-dung-quan-doan-chu-luc-hien-nay-822793