Sức sống làng nghề ở Đông Anh

Sức sống làng nghề ở Đông Anh
2 ngày trướcBài gốc
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Đông Anh là vùng đất "trăm nghề". Từ những làng nghề nổi danh khắp vùng như gỗ mỹ nghệ Vân Hà, bún Mạch Tràng (Cổ Loa), bánh chưng Lỗ Khê (Liên Hà), đậu phụ Chài (Võng La), đến nghề trồng quất cảnh Tàm Xá, tương Việt Hùng, rượu truyền thống Liên Hà... mỗi làng nghề là một phần ký ức sống động, là một chương sử viết bằng đôi bàn tay và giọt mồ hôi của người thợ làng.
Làng nghề không chỉ làm ra sản phẩm mà còn làm nên bản sắc cho cả một vùng đất. Cây gỗ ở Vân Hà không chỉ được đục đẽo thành tượng Phật, sập gụ, tủ chè - mà còn là biểu tượng của sự kiên định, bền bỉ. Gánh bún Mạch Tràng không chỉ là một thức quà - mà còn gợi nhớ đến nhịp sống làng quê. Chiếc bánh chưng Lỗ Khê không chỉ là món ăn ngày Tết - mà là mạch dây kết nối bao thế hệ gia đình với tổ tiên. Đó là những giá trị không thể cân đong bằng tiền bạc, nhưng lại là “kho báu” văn hóa đặc hữu của Đông Anh.
Làng nghề chính là “bảo tàng sống” - nơi không chỉ kỹ nghệ được lưu truyền mà còn lưu giữ không gian văn hóa truyền thống: đình làng, miếu thờ tổ nghề, phong tục lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, ngôn ngữ giao tiếp, lối ứng xử cộng đồng... Giữ làng nghề, cũng là giữ lấy nếp sống làng xã - thứ đang dần phai nhòa trong quá trình đô thị hóa.
Thức giấc giữa phố thị
Đông Anh hôm nay đang đổi thay từng ngày. Những khu đô thị thông minh, những tuyến giao thông hiện đại, những khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất phía Bắc Thủ đô. Trong sự phát triển sôi động ấy, làng nghề không lùi lại, mà tiến lên - bằng cách thích ứng và tái sinh.
Nghệ nhân Đỗ Văn Cường - một người thợ gỗ hơn 20 năm gắn bó với làng nghề Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh cho biết ở thời đại nào, sự sáng tạo và tài hoa của nghệ nhân là yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo và giá trị bền vững cho những sản phẩm thủ công truyền thống.
Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, các làng nghề và mỗi nghệ nhân đều cần xem tinh thần đổi mới, sáng tạo như chiếc chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới thành công.
Nghệ nhân Đỗ Văn Cường, làng nghề gỗ Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh.
“Làm nghề bây giờ không chỉ là khéo tay, mà còn phải nhanh nhạy với thị trường. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ cần một cái tủ, cái bàn bền, mà họ cần một sản phẩm đẹp, hài hòa, hợp với không gian sống hiện đại. Nghệ nhân chúng tôi cũng phải học từ những xu hướng mới, thị hiếu khách hàng cho đến cả những công nghệ để nghề không bị lỗi thời mà vẫn giữ được hồn cốt.”
Theo nghệ nhân này, người làm nghề bên cạnh tri thức và kỹ năng nghề cũng cần làm quen với máy móc hiện đại, với cách đóng gói sản phẩm, với việc đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận khách hàng từ khắp mọi miền đất nước và cả thế giới.
Xa hơn nữa, các làng nghề cũng tìm cách xây dựng thương hiệu, làm du lịch trải nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP mang đặc trưng văn hóa địa phương.
Một điển hình khác trong việc tìm chỗ đứng cho làng nghề trong nhịp sống hiện đại là sản phẩm đậu phụ Võng La. Trước đây, đậu phụ Võng La vẫn được sản xuất theo phương pháp thủ công, theo quy mô hộ gia đình, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu hay tiếp cận thị trường, nên sức tiêu thụ thấp. Tuy nhiên, với khát khao giữ nghề, đưa đậu phụ Võng La ra khỏi “làng”, các bạn trẻ tại xã Võng La đã thành lập Hợp tác xã Thanh niên Võng La để lưu giữ nghề truyền thống này.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Võng La Lê Văn Đạt cho biết, với mong muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông, anh cùng 6 thanh niên trong xã thành lập hợp tác xã, nhằm sản xuất đậu phụ theo quy trình chuẩn, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, giúp đậu phụ Võng La có chỗ đứng trên thị trường. Ngay sau khi đi vào hoạt động, hợp tác xã đã đưa máy móc vào sản xuất, thay vì làm thủ công như trước kia. Đặc biệt, để bảo đảm sản xuất theo chuỗi khép kín, Võng La duy trì gần 30ha đất hoa màu trồng đậu tương, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho làng nghề.
Làm đậu phụ ở làng Võng La.
Từ những thành công bước đầu, Hợp tác xã Thanh niên Võng La liên kết các hộ sản xuất hình thành nguồn cung lớn cho thị trường. Năm 2020, khi tham gia Chương trình OCOP của thành phố, sản phẩm đậu phụ Võng La của hợp tác xã đạt chứng nhận 3 sao, với 3 sản phẩm: Đậu phụ truyền thống, đậu phụ nướng và đậu phụ cháy thịt.
Với sự đổi mới trong tư duy và cách làm, đậu phụ làng Chài Võng La đã “đi ra khỏi làng”, được biết đến rộng rãi, thuận lợi hơn trong tìm kiếm chỗ đứng và tiêu thụ trên thị trường cạnh tranh hiện nay.
Đồng hành cùng làng nghề: Hơi thở từ chính sách
Theo ông Hoàng Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, làng nghề truyền thống đã trở thành di sản văn hóa quý báu, nơi chứa đựng truyền thống, hồn cốt của dân tộc, bản sắc của địa phương. Làng nghề không ngừng phát triển đã làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đông Anh thay đổi theo hướng tích cực. Diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, hệ thống kết cấu hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, xóa dần cách biệt giữa thành thị và nông thôn.
Nhờ có thu nhập cao, các làng nghề đã đầu tư xây dựng được nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Các công trình chung của xã như: điện, đường, trường, trạm đều khang trang hơn, trong đó có sự đóng góp chung sức ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề.
Ông Hoàng Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh.
Theo thống kê, toàn huyện Đông Anh có 3 làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ về chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: Làng nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ Thiết Úng xã Vân Hà, Làng nghề mỹ nghệ thôn Thù Lỗ xã Liên Hà, làng nghề sản xuất Đậu truyền thống Võng La. Đặc biệt, có đến 58 sản phẩm OCOP đã được công nhận tại các làng nghề, làng có nghề, 22 nghệ nhân được vinh danh.
Để có được kết quả đó, huyện Đông Anh đã và đang triển khai nhiều chính sách thiết thực nhằm phát triển làng nghề gắn với du lịch, tạo đà cho kinh tế - văn hóa cùng phát triển bền vững.
Theo đó, huyện đã chủ động quy hoạch và bảo tồn không gian làng nghề gắn với định hướng đô thị hóa, không để nhà cao tầng xóa nhòa đi hồn cốt làng quê. Những đình làng, đền tổ nghề được tôn tạo, những nhà truyền thống được dựng lên - không phải chỉ để trưng bày, mà để tiếp tục kể câu chuyện của làng nghề, truyền lửa cho hậu thế.
Huyện cũng tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề, phối hợp với các nghệ nhân ưu tú, tạo cơ hội để lớp trẻ không chỉ học kỹ năng mà còn học cả tinh thần, đạo nghề. Nhiều nghệ nhân đã được công nhận, tôn vinh, trở thành những “người giữ lửa” cho các dòng chảy nghề cổ.
Làng bún Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt, Đông Anh còn tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài địa phương; xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển thương hiệu làng nghề; đẩy mạnh truyền thông đa nền tảng.
Đặc biệt, du lịch làng nghề đang được xem là “chìa khóa vàng” mở ra một hướng đi mới: xây dựng các tour trải nghiệm làm bánh, nấu rượu, chạm khắc gỗ, tham quan di tích lịch sử, nghỉ homestay, thưởng thức ẩm thực truyền thống. Những sản phẩm du lịch này không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn nâng tầm giá trị làng nghề trên bản đồ du lịch văn hóa Hà Nội.
Cùng với đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng - từ nâng cấp giao thông, cải tạo hệ thống nước - điện - môi trường, đến hỗ trợ vốn ưu đãi, xây dựng nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc... Tất cả tạo nên một hệ sinh thái phát triển bền vững cho làng nghề trong thời đại mới.
Trong định hướng phát triển của Hà Nội nói chung và Đông Anh nói riêng, công nghiệp văn hóa là một trụ cột quan trọng. Mà ở đó, làng nghề chính là nền tảng - là nguồn tài nguyên vừa phong phú, vừa có chiều sâu lịch sử - văn hóa, lại có tiềm năng thương mại hóa cao.
Khi một sản phẩm không chỉ là hàng hóa, mà là tinh thần, là câu chuyện, là biểu tượng - thì đó chính là sản phẩm văn hóa. Và khi cả một làng nghề được thiết kế, quản lý, quảng bá như một không gian sáng tạo - thì làng nghề ấy chính là một “công xưởng văn hóa” đích thực.
Mạnh Quốc - Hữu Thắng
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/suc-song-lang-nghe-o-dong-anh-204250525185555929.htm