Đoàn cán bộ thành phố Huế thăm Thị Trấn Trường Sa (4/2025). Ảnh: Lê Hoàng Tùng
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định hướng tiến công chiến lược trên biển nhằm giải phóng quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Chủ trương này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc quyết tâm giành lại toàn bộ chủ quyền lãnh thổ trên đất liền cũng như các đảo và vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Đầu tháng 4/1975, nhận mật lệnh của Tổng Tư lệnh chiến dịch - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, bám sát tình hình và huy động cao nhất số tàu vận tải phục vụ chở bộ đội, vận chuyển các phương tiện chiến đấu vào chiến trường. Khi những cánh quân trên bộ của Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu tiến công vào phòng tuyến của ngụy ở cửa ngõ phía Đông và phía nam Sài Gòn, cánh quân trên biển âm thầm vượt qua sóng to, gió lớn tiến vào giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã vượt hàng trăm hải lý, tránh radar, né máy bay địch, giữ liên lạc trong im lặng, tàu vận tải ngụy trang thành tàu đánh cá, vượt trùng khơi, đưa đặc công bí mât tiếp cận các đảo đang bị quân đội Sài Gòn chiếm giữ.
Ngày 14/4, các chiến sĩ Hải quân đổ bộ, tiến đánh và làm chủ đảo Song Tử Tây. Trong điều kiện thuận lợi, lực lượng từ đảo Song Tử Tây đổ bộ và nổ súng tấn công giải phóng đảo Sơn Ca. Tiếp đó, ta chớp thời cơ, nhanh chóng giải phóng và làm chủ đảo Nam Yết, trung tâm chỉ huy của địch trên quần đảo Trường Sa. Với tinh thần tiến công thần tốc, quân ta nhanh chóng giải phóng đảo Sinh Tồn, sáng 29/4/1975 hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ và làm chủ đảo Trường Sa lớn. Trường Sa được giải phóng góp phần hoàn chỉnh thế trận tiến công cả bộ, thủy và không trong chiến dich giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng này khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, đưa quần đảo Trường Sa bước vào giai đoạn mới.
Sau ngày được giải phóng đến nay, Trường Sa đã từng bước chuyển mình từ một vùng biển nghèo, hẻo lánh thành một khu vực chiến lược, kinh tế và nhân văn của đất nước Việt Nam. Ai đã có dịp đến Trường Sa trong thập kỷ vừa qua và hôm nay đều được chứng kiến diện mạo của huyện đảo Trường Sa có nhiều thay đổi vượt bậc.
Với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, Trường Sa hôm nay có hạ tầng cơ sở khá khang trang và ngày càng hiện đại. Các đảo nổi như Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn... đều có hệ thống nhà ở, trạm xá, trường học, trụ sở hành chính, đài truyền thanh, hệ thống điện mặt trời... Màu xanh của rau, của hoa, của cây phong ba, cây bàng vuông tràn đầy sức sống. Hệ thống đảo chìm, đảo đá nơi có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng được đầu tư xây dựng với nhà ở kiên cố, trạm radar, đèn biển, cột mốc chủ quyền... hiển hiện vững chãi giữa biển khơi.
Hệ thống quốc phòng hiện đại được tăng cường sẵn sàng bảo vệ chủ quyền trong mọi tình huống. Sân bay Trường Sa lớn đã được mở rộng với đường băng 1.300m phục vụ máy bay vận tải và trực thăng. Huyện đảo có 4 âu tàu tại Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa và Sinh Tồn với sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu nghỉ ngơi, tránh bão.
Trường học, bệnh xá được xây dựng khang trang. Các công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa, nhà văn hóa trên các đảo... là những địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa dân tộc cho quân dân huyện đảo, làm cho huyện đảo gần hơn với đất liền. Chính quyền và Nhân dân huyện đảo tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt, nuôi trồng hải sản, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của quân và dân. Đồng thời, đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân các địa phương khai thác, đánh bắt hải sản trên khu vực quần đảo Trường Sa, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng huyện đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.
Ông Lê Hoàng Tùng, Trưởng phòng Tổ chức Đảng - Đảng viên Ban Tổ chức Thành ủy Huế vừa có một hành trình đầy cảm xúc thăm quần đảo Trường Sa mới đây xúc động: “Chúng tôi đã nghe kể, được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng về sự thay đổi của huyện đảo Trường Sa. Nhưng những ngày qua, khi được mục sở thị, trong lòng mỗi chúng tôi không khỏi dâng những cảm xúc đặc biệt về sự đổi mới, hiện đại nhưng rất đỗi thanh bình của quần đảo Trường Sa giữa lòng biển khơi”.
Cùng một chuyến đi, chị Hồng Nga, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy trải lòng: “Vinh dự được ra thăm huyện đảo đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xúc động khi được bước đi dưới màu xanh cây trái, ngắm trẻ thơ chạy nhảy vui đùa cùng tiếng cười trong veo dưới bóng cờ và cùng những công trình dân sinh hiện đại bên những cây bàng vuông, nho biển, phong ba... càng cảm nhận rõ sức sống vươn lên mãnh liệt của Trường Sa giữa trùng khơi”.
Quần đảo Trường Sa sau 50 năm giải phóng không chỉ là biểu tượng của chủ quyền thiêng liêng mà còn là minh chứng sống động cho ý chí kiên cường, khát vọng hòa bình và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Những ngày này, cùng với cả nước, quân và dân quần đảo Trường Sa hân hoan chào mừng 50 năm giải phóng. Trong sự quan tâm của Nhân dân cả nước, Huyện đảo Trường Sa quyết vươn lên trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội trên biển, là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nguyên Anh