“Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”
Không phải ngẫu nhiên mà ngụy quyền Sài Gòn từng truyền nhau câu nói: "Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất". Chiến khu Đ là thành lũy cách mạng, vùng án ngữ chiến lược nối liền nhiều chiến trường và là cầu nối quan trọng từ hậu phương lớn miền Bắc với Nam bộ. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Ban Liên lạc truyền thống Đoàn B90-C200-C270 Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương, chia sẻ: "Chiến Khu Đ" là tên gọi của vùng căn cứ ra đời vào cuối tháng 2-1946. Khi thực dân Pháp chiếm đóng được quận lỵ Tân Uyên, thành lập chi khu. Tổng hành dinh Khu 7 và lực lượng vũ trang Biên Hòa, Thủ Dầu Một rút sâu vào rừng. Từ đấy, Chiến khu Đ trở thành căn cứ địa của Chiến khu 7 - một tổ chức hành chính - quân sự của các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và Sài Gòn, do Trung tướng Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng và Trần Xuân Độ làm Chính trị ủy viên khu. Ban đầu, Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của khu 7 nằm trong hệ thống các vị trí căn cứ của khu. Dần dần về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ngày càng phát triển ở miền Đông Nam bộ.
Nông dân xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên thu hoạch bưởi, một sản phẩm thế mạnh tại địa phương. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Thời kỳ 9 năm chống Pháp, Chiến Khu Đ được hình thành khởi đầu vào tháng 2-1946, chủ yếu từ hạt nhân 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc quận Tân Uyên tỉnh Biên Hòa. Từ năm 1948, trở đi, Chiến Khu Đ được mở rộng ra, phát triển lên phía bắc và đông bắc. Dù vậy, phạm vi chủ yếu của nó nằm trên vùng đất: Tây giáp đường 16, đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng xanh; bắc giáp sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hòa lên Chánh Hưng, đông vẫn giáp sông Bé đoạn từ Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và nam giáp sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên...
Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh vùng đất chiến khu xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên trì phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng. Huyện Bắc Tân Uyên có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ. Kinh tế của huyện hình thành 2 vùng phát triển tương đối hài hòa là vùng phát triển công nghiệp và nông nghiệp.
Sang thời kỳ chống Mỹ, do đặc điểm về quy mô của cuộc chiến tranh, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), trung tâm căn cứ chuyển dần lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vi phát triển đến mức cao nhất. Toàn bộ căn cứ địa nằm ở phía bắc sông Đồng Nai, phía tây giáp địa giới hai tỉnh Bình Long và Phước Long cũ, phía bắc giáp biên giới Việt Nam - Campuchia và phía đông giáp địa giới 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk hiện nay kéo về rừng Cát Tiên phía thượng nguồn sông Đồng Nai bên hữu ngạn.
"Chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân, là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam bộ", ông Nguyễn Thanh Tâm nói.
50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng những chiến tích của một thời bom đạn ác liệt vẫn còn in đậm trong tâm trí những người từng sống, chiến đấu trên vùng đất linh thiêng này. Biết bao lần giặc càn quét dã man, nhiều gia đình đã tan nhà nát cửa, nhiều nóc nhà đã được dựng lên rồi lại bị thiêu rụi nhiều lần...
Chiến trường xưa nở hoa, kết trái
Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh vùng đất chiến khu xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên trì phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng. Huyện Bắc Tân Uyên có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ. Kinh tế của huyện hình thành 2 vùng phát triển tương đối hài hòa là vùng phát triển công nghiệp và nông nghiệp.
Với lợi thế nằm giáp sông Bé và sông Đồng Nai là khu vực có địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp trồng cây ăn trái có múi nên từ năm 2010 đến nay, các vùng chuyên canh cây ăn trái ở huyện Bắc Tân Uyên mang giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.290 tỷ đồng. Với diện tích trồng cây ăn trái có múi gần 2.000 ha, Bắc Tân Uyên đang là một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất, chất lượng cây ăn trái có múi của tỉnh. Quả cam, bưởi, quýt không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trong tỉnh những năm qua, mà nó còn là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng ngon, ngọt, sạch và an toàn của vùng đất Bình Dương.
Nhớ lại thời điểm 11 năm trước, huyện Bắc Tân Uyên được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Tân Uyên; khi đó, Bắc Tân Uyên là địa phương có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội khá thấp so với mặt bằng chung của các địa phương trong tỉnh. Nhưng phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, cùng với đức tính chịu thương, chịu khó, ý chí tự lực, tự cường của vùng đất "Miền Đông gian lao mà anh dũng", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên đã luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao trong hành động, từng bước vươn lên từ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún sang sản xuất nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn chuyển hướng sang xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Đồng thời, với sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp của huyện cũng không ngừng phát triển với nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung có quy mô lớn theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường đã, đang và sẽ tiếp tục được hình thành.
Với truyền thống vẻ vang của vùng đất Chiến khu Đ gian lao mà anh dũng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh và những thành tựu, chủ động nắm bắt các cơ hội để phát triển, xây dựng huyện Bắc Tân Uyên ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại để người dân trên địa bàn có cuộc sống ngày càng ấm no và thật sự hạnh phúc...
THU THẢO - PHƯƠNG THANH