Không quảng bá rầm rộ, không biển hiệu chỉ đường, suối Bản Án như một “viên ngọc xanh” bí ẩn ẩn mình giữa núi rừng phương Bắc, chỉ thực sự lộ diện với những ai đam mê khám phá và trân trọng vẻ đẹp hoang sơ, nguyên bản. Ảnh Blog của Rọt
Dòng suối nhỏ len lỏi giữa bạt ngàn cây rừng, ôm trọn lấy những tảng đá rêu phong, tạo nên khung cảnh thanh bình và đầy chất thơ. Ảnh Blog của Rọt
Buổi sáng, sương mù lững lờ trên mặt nước; buổi chiều, ánh nắng xuyên qua tán lá chiếu xuống dòng chảy trong veo, phản chiếu màu trời và mây. Âm thanh duy nhất nghe thấy ở đây là tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim rừng lảnh lót và thỉnh thoảng là tiếng bước chân khe khẽ của những người đi rẫy. Ảnh Blog của Rọt
Trong một thế giới ngày càng hiện đại và xô bồ, nơi đây như một không gian “tách biệt” – nơi thời gian như chậm lại để lòng người được bình yên. Ảnh Blog của Rọt
Tuy chưa được quy hoạch bài bản thành điểm du lịch sinh thái, suối Bản Án vẫn hấp dẫn một lượng nhỏ du khách mê phượt và nhiếp ảnh. Mỗi mùa trong năm, cảnh vật lại mang một vẻ đẹp riêng. Ảnh Blog của Rọt
Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, suối hiền hòa như khúc nhạc dịu dàng. Mùa hè, nước suối mát lạnh, trong vắt, thích hợp để ngâm chân thư giãn hoặc đơn giản là ngồi thả mình bên bờ đá nghe rừng kể chuyện. Ảnh Blog của Rọt
Mùa thu, khi lá đổi màu, suối như trở thành tấm gương khổng lồ phản chiếu bức tranh sơn thủy hữu tình. Mùa đông đến, sương mù bao phủ tạo nên khung cảnh huyền ảo, thích hợp cho những ai muốn tìm nơi tĩnh lặng, tách biệt khỏi thế giới ồn ào ngoài kia. Ảnh Blog của Rọt
Để đến được suối Bản Án, từ trung tâm thị trấn Yên Minh, du khách di chuyển theo hướng xã Ngọc Long khoảng 15km. Đường đi khá nhỏ và có nhiều đoạn dốc, trơn trượt nếu gặp mưa, vì vậy nên đi xe máy số hoặc thuê xe ô tô gầm cao có người bản địa dẫn đường. Ảnh Blog của Rọt
Đây cũng là lý do khiến suối vẫn giữ được nét nguyên sơ hiếm có. Những người đã từng đến đều có chung cảm nhận: không rác, không ồn ào, không dịch vụ chen chúc – chỉ có thiên nhiên trong lành và sự hiền hòa của con người nơi đây. Ảnh Blog của Rọt
Với nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao, một số công ty lữ hành đã bắt đầu đưa suối Bản Án vào lịch trình các tour khám phá Hà Giang. Tiêu biểu, công ty Viettrekking tổ chức tour “Yên Minh – Ngọc Long – Bản Án” kéo dài 3 ngày 2 đêm, kết hợp trekking nhẹ, lưu trú tại homestay người Mông và picnic bên suối. Trong khi đó, Lửa Việt Travel lại xây dựng tour dành cho nhóm gia đình với lộ trình Hà Nội – Quản Bạ – Yên Minh – Suối Bản Án – Đồng Văn, có xe riêng và hướng dẫn viên bản địa đồng hành. Ảnh Blog của Rọt
Ngoài ra, VGreen Travel cũng đưa ra gói tour chụp ảnh mùa thu tại suối Bản Án, kết hợp ghé qua các bản làng ít người biết như Lũng Hồ, Sủng Là và Lao Xa. Nhờ vậy, du khách từ nhiều nơi có thêm lựa chọn an toàn và tiện lợi khi muốn khám phá điểm đến còn hoang sơ này. Tuy nhiên, các đơn vị tổ chức đều nhấn mạnh việc giữ gìn cảnh quan, không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và tuân thủ nguyên tắc “đi không để lại dấu vết”. Ảnh Mến Phạm
nếu Quản Bạ mê hoặc bởi “núi đôi cô tiên”, Đồng Văn nổi tiếng với cao nguyên đá, thì suối Bản Án lại là điểm đến dịu dàng, đằm thắm – một chốn dừng chân để người ta tìm về với sự nguyên bản trong trẻo nhất của thiên nhiên. Không cần ồn ào quảng bá, dòng suối ấy vẫn lặng lẽ chảy, vẫn âm thầm đón bước chân những người biết trân quý sự bình yên và mộc mạc giữa đại ngàn xanh thẳm. Ảnh Mến Phạm
Vân Giang