Nguyên nhân gây suy giáp
Nguyên nhân gây suy giáp được chia thành hai nhóm chính: suy giáp nguyên phát (do vấn đề tại tuyến giáp) và suy giáp thứ phát (do nguyên nhân ngoài tuyến giáp). Trong đó, suy giáp nguyên phát chiếm tới khoảng 95% tổng số trường hợp.
Suy giáp nguyên phát là tình trạng suy giáp xuất phát từ chính tuyến giáp.
Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Viêm giáp Hashimoto – viêm giáp tự miễn: Bệnh lý hết sức phổ biến, gặp ở khoảng 10% dân số, diễn biến âm thầm, không nguy hiểm.
Suy giáp sau điều trị các bệnh lý tuyến giáp như ung thư tuyến giáp, cường giáp: thường là do cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc điều trị bằng iod phóng xạ.
Suy giáp thoáng qua: thường gặp ở viêm tuyến giáp sau sinh và viêm giáp bán cấp – không cần điều trị.
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây suy giáp. Thường thì dừng thuốc sẽ cải thiện vấn đề này.
Một số bệnh lý viêm nhiễm ở cơ quan khác đôi khi có thể gây suy giáp.
Suy giáp thứ phát là tình trạng suy giáp do nguyên nhân ngoài tuyến giáp.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt hormone TSH – hormone kích thích tuyến giáp – vốn được sản xuất bởi tuyến yên. Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân có rối loạn tại tuyến yên hoặc vùng dưới đồi. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân hiếm gặp.
Triệu chứng của suy giáp
Suy giáp gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng phần lớn đều không đặc hiệu. Một số biểu hiện thường gặp bao gồm: Mệt mỏi, lờ đờ, giảm trí nhớ; Không chịu được lạnh; Da khô, rụng tóc; Táo bón; Rối loạn kinh nguyệt (rong kinh, mất kinh); Khàn tiếng... Ngoài ra, bệnh nhân suy giáp còn có các biểu hiện khác như: Nhịp tim chậm; Tăng cân nhẹ (không gây béo phì); Rối loạn mỡ máu; Đau nhức xương, giảm ham muốn tình dục...
Suy giáp còn có thể gây ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết khác, dẫn đến đái tháo đường, hạ đường huyết.
Suy giáp có nguy hiểm không?
Bệnh suy giáp có thể tiến triển ngày một nặng nếu bệnh nhân không được điều trị hoặc điều trị dang dở.
Suy giáp thường gây ra các biến chứng tim mạch như các rối loạn nhịp, nhịp tim chậm, tốc độ tuần hoàn chậm, nặng hơn gây ra các cơn đau thắt ngực khi gắng sức, tràn dịch màng tim, suy tim. Cuối cùng có thể gây ra nhồi máu cơ tim, thậm chí là tử vong đột ngột.
Suy giáp làm tăng cholesterol, gây ra tình trạng rối loạn lipid máu. Đó là lý do nếu kết quả xét nghiệm cholesterol cao, bác sĩ thường chỉ định làm thêm xét nghiệm hormone tuyến giáp.
Suy giáp cũng gây ra các biến chứng thần kinh mặc dù ít gặp hơn, với các triệu chứng chậm chạp, đờ đẫn, giảm trí nhớ, trầm uất.
Ngoài ra, suy giáp còn có thể gây ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết khác, dẫn đến đái tháo đường, hạ đường huyết, suy vỏ thượng thận, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh hoặc các bệnh tự miễn dịch.
Một số trường hợp hiếm gặp hơn, suy giáp gây hôn mê. Đây là tình trạng hôn mê yên tĩnh, từ từ, kết hợp với nhịp tim chậm, huyết áp giảm, tràn dịch màng tim, tăng CO2 máu, giảm O2, hạ Natri, tăng Clo, thở chậm cho đến ngừng thở… đe dọa đến tính mạng, cần được cấp cứu điều trị.
Suy giáp trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé. Ở người mẹ, suy giáp có thể gây tăng huyết áp, thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, sẩy thai. Đối với thai nhi, hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong phát triển não của bào thai và trẻ trong vài năm đầu sau sinh. Vì vậy mà suy giáp bẩm sinh làm chậm sự phát triển tâm thần và vận động của trẻ. Nếu điều trị muộn có thể không hồi phục được.
Lời khuyên thầy thuốc
Nguyên tắc điều trị là bổ sung hormone tuyến giáp bằng thuốc uống suốt đời. Không có các loại thực phẩm chức năng nào có thể thay thế cho thuốc hormone. Và cũng không có loại nào giúp hấp thu homrone tuyến giáp tốt hơn. Do đó, hãy luôn nhớ, việc điều trị suy giáp cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Như vậy, suy giáp là bệnh mạn tính, nhưng nếu điều trị đúng và theo dõi đều đặn, người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh. Hãy chú ý đến chế độ ăn, dùng thuốc đúng hướng dẫn và tái khám định kỳ. Khi có bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời.
BS. Nguyễn Văn Hiệp