Giai đoạn đào tạo nghề
Nói ngành đào tạo nghề là nguồn cung lao động cho các ngành/hoạt động kinh tế thì chính ngành này phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình để tạo ra những lao động đáp ứng nhu cầu xã hội, được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc. Trong kinh tế thị trường thì các cơ sở đào tạo chịu sự cạnh tranh khá khốc liệt để có người học, để đào tạo đúng nghề mà xã hội yêu cầu, cung cấp được kiến thức tốt nhất cho người học để họ có thể làm tốt công việc được giao ở doanh nghiệp tuyển dụng. Khi đó các đơn vị đào tạo mới đứng vững, tồn tại và phát triển được. Chỉ riêng đào tạo hệ đại học, hiện tại có nhiều trường với nhiều loại hình khác nhau: công lập, dân lập, tư thục, liên kết với nước ngoài, do nước ngoài mở,… nên số trường ngày một nhiều thêm, số lượng nghề, phụ nghề cũng nhiều hơn, tạo điều kiện để học sinh có thể lựa chọn được trường đại học theo mong muốn. Tuy nhiên, các trường này chịu sự cạnh tranh ngày một căng thẳng và đã có sự thay đổi nhiều mặt của các trường để khẳng định tên tuổi, thương hiệu của mình, để có nhiều người theo học. Do có nhiều loại hình như vậy nên sự cạnh tranh có nhiều điểm đặc thù. Ví dụ, các trường công lập do Nhà nước thành lập, được cung cấp một phần kinh phí hoặc cơ sở vật chất thì phải chịu nhiều ràng buộc trong đó nổi trội là ràng buộc về các khoản thu từ người học (học phí, tiền mua hóa chất, tiền đi thực địa,…) nên đôi khi cũng có hạn chế trong công tác đào tạo. Tuy nhiên các trường công lập dạng này được Nhà nước đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại nên nếu biết phát huy thì sẽ là thế mạnh. Các trường tự chủ hoàn toàn về tài chính có thể được thu học phí cao hơn, có thể thu nhiều khoản phục vụ công tác học tập nên chất lượng đào tạo có phần sát thực tế hơn. Chỉ xét học phí, mức thu của các trường rất khác nhau theo 7 khối ngành và theo mức trần quy định tại Điều 11 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 97/2023/NĐ-CP. Theo đó, có quy định Mức trần học phí đối với cơ sở công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Theo đó, năm học 2024-2025 khối ngành VI.2: Y dược được phép thu học phí mức trần cao nhất với 2,76 triệu đồng/học sinh/tháng còn mức trần thấp nhất là đối với khối ngành II: Nghệ thuật với 1,35 triệu đồng/học sinh/tháng. Các năm học sau đó (2025-2026 và 2026-2027) mức trần này cao hơn năm trước khoảng 12,5%. Đối với các trường dại học khác, các Nghị định này quy định:
“- Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí tương ứng với từng khối ngành và từng năm học được xác định tối đa bằng 02 lần mức trần học phí theo bảng trên.
- Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí tương ứng với từng khối ngành và từng năm học được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tại bảng trên.
- Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương:
Cơ sở giáo dục đại học tự xác định mức thu học phí, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.”
Như vậy, người vào học khối ngành VI.2 (Y dược) của các trường Đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có thể phải chi mức học phí năm học 2024-2025 cỡ 6,9 triệu đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, số lượng đăng ký học khối ngành này vẫn lớn và mức điểm xét chọn rất cao, chứng tỏ người dân Việt Nam vẫn sẵn sàng đầu tư cho con em học ngành đang rất “hot” này.
Đối với các trường ngoài công lập, khoản 4 Điều 8 Nghị định 81/2021/NĐ-CP có đề cập đến các nội dung về nguyên tắc xác định học phí như sau:
“- Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định;
- Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có trách nhiệm thuyết minh chi phí giáo dục, đào tạo bình quân một học sinh, mức thu học phí hàng năm, mức thu học phí toàn cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và toàn khóa học đối với cơ sở giáo dục đại học; thuyết minh lộ trình và tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo (tỷ lệ tăng hằng năm không quá 15% đối với đào tạo đại học; tỷ lệ tăng không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông) và thực hiện công khai theo quy định của pháp luật và giải trình với người học, xã hội;
- Học sinh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được nhà nước chi trả tối đa bằng mức học phí đối với học sinh cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục tiểu học, quy mô học sinh tiểu học trên địa bàn và định mức học sinh/lớp cấp tiểu học theo quy định để xây dựng tiêu chí xác định các địa bàn không đủ trường công lập trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tại các trường tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập theo từng năm học; kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện”.
Thu học phí để nâng cao chất lượng đào tạo nhưng liệu học phí cao có đảm bảo chất lượng đào tạo cao không khi mà cùng một khối học, cùng một loại trường mà học phí trường này rất khác học phí trường khác và chất lượng đầu vào cũng khác. Đây là câu hỏi không dễ trả lời và phải có những điều tra bài bản mới có câu trả lời xác đáng. Một vấn đề nữa cần đầu tư nghiên cứu để trả lời, đó là thu học phí như hiện nay đã bù đắp đủ hay chưa cho các chi phí ngày một cao để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo một bài đăng tải trên tạp chí VnEconomy điện tử ngày 13/8/2024 của tác giả Đỗ Mến với tiêu đề: Bộ Giáo dục và Đào tạo: Mức thu học phí đại học chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo đã cho thấy:
“Tuy nhiên lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW vì khung và mức thu học phí còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo. Căn cứ lộ trình học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP, học phí từ năm học 2023-2024 tăng theo lộ trình để đảm bảo đến năm học 2026-2027 bù đắp chi phí đào tạo”.
Phải chăng đây là hạn chế dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đáp ứng mong muốn của mọi người.
Quả thật, xác định chất lượng đào tạo là một công việc rất khó khăn, vì số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường rất nhiều, làm việc ở nhiều cơ sở tuyển dụng rất khác nhau nên khó đánh giá tổng quát mà cần tiến hành đánh giá cụ thể hơn. Nếu chỉ xem xét tỷ lệ bằng khá, giỏi, xuất sắc thì vừa qua chúng ta thấy nhiều trường đại học công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại bằng này ở mức rất cao.
Chúng tôi cũng đã có bài viết, góp phần lý giải hiện tượng này trên Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày 25/6/2024 với tiêu đề: “Vì sao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi quá cao ở các trường đại học?”. Qua đó cho thấy không thể chỉ nhìn vào bằng cấp để đánh giá chất lượng sinh viên mà cách đánh giá tốt nhất phải từ các đơn vị tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc (trong kinh tế thị trường, chủ cơ sở tuyển dụng có thể coi là “ông chủ” còn người nhận việc là “người làm”). Ông chủ sẽ có đánh giá đúng nhất về chất lượng người làm khi đã giao việc và giám sát, theo dõi. Nhiều ông chủ không quá coi trọng bằng cấp khi tuyển dụng mà sinh viên phải vượt qua “phỏng vấn” mới có thể trở thành người làm việc của ông chủ. Vì vậy, ở các doanh nghiệp luôn có giám đốc nhân sự, bộ phận nhân sự để đặt ra tiêu chí lựa chọn, tuyển dụng người làm. Đôi khi bộ phận này còn phải đi đến các cơ sở đào tạo để đưa vào “tầm ngắm” các sinh viên có năng lực để lôi kéo họ về làm viêc từ đó tạo ra những những chuyên gia “săn đầu người” cho các doanh nghiệp. Thật ra cách thức này không mới vì ngay thời phong kiến, ngoài thi cử chọn người tài thì tiến cử được người tài cho vua sử dụng cũng được coi là có công lớn.
Ở Việt Nam hiện nay, có một “ông chủ” rất lớn, đó là các cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước mà trước đây thời chúng tôi ai cũng muốn vào làm việc để có “biên chế” suốt đời, lương có thể không cao nhưng được hưởng nhiều chế độ phụ cấp khác và hầu như không hoặc ít khi bị sa thải. Tiêu chí tuyển chọn của các cơ quan nhà nước đã có nhiều thay đổi, không còn dựa quá nhiều vào bằng cấp nhưng bằng cấp vẫn còn được coi như điều kiện cần để được vào làm ở nhiều cơ quan. Việc thực hiện thi tuyển vẫn còn nhiều chỗ hở để nhiều người/ông chủ lợi dụng, sử dụng các tiêu chí “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ,…” để quyết định tuyển dụng.
Xét trên bình diện cung, cầu lao động thì các ông chủ đóng vai bên cầu nên họ phải căn cứ vào các hoạt động của mình, xem xét cần nhân sự ở công đoạn nào, bộ phận nào để tìm kiếm đúng người, đúng việc. Vì vậy, nhiều khi các công ty lớn quyết định tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, thành lập các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề phù hợp với những công việc của công ty mình (và cả nhu cầu xã hội tương lai) nên có thể sử dụng sinh viên giỏi cả khi họ chưa tốt nghiệp.
Nhắc đến ông chủ và người làm có thể dẫn tới sự “ám ảnh” về việc ông chủ bóc lột người làm, nhất là những người có tuổi chứng kiến nhiều cảnh thương tâm về quan hệ ông chủ-người làm ngày xưa. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường hoàn hảo thì quan hệ này được luật hóa theo hướng: ông chủ tạo việc làm (không trái pháp luật) theo chức danh nào đấy (kèm theo các ràng buộc công khai) còn người làm chứng minh khả năng làm việc của mình (thông qua bằng cấp, qua kinh nghiệm làm việc, qua kết quả phỏng vấn,…) để xin việc. Và, khi đã có sự thỏa thuận giữa ông chủ và người làm thì họ tiến hành lập Hợp đồng thực hiện, khi đó sẽ không còn có việc ông chủ bóc lột nữa mà những gì ông chủ thu được từ người làm và những gì người làm nhận được từ ông chủ đều là hợp pháp. Thật ra, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đôi khi chưa nhận rõ được họ cần những người làm việc gì, cần tiêu chí gì từ người sẽ vào làm việc nên việc tuyển chọn nhiều khi chưa phù hợp, đôi khi chỉ cần có bằng đại học là đủ, không cần loại bằng gì (chính quy, tại chức, vừa học vừa làm,…) và nghề gì. Có lẽ, trong tương lai gần, Nhà nước và các cơ quan nhà nước phải tạo được danh mục các việc làm của mình cùng những yêu cầu rõ ràng đối với người sẽ được tuyển dụng. Khi đó mới định hình được hệ thống đào tạo phù hợp và có thể tìm được người tài để sử dụng. Mặt khác Nhà nước và cơ quan nhà nước phải tạo được điều kiện làm việc tốt để cán bộ giỏi, người tài có thể phát huy đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Hiện tại vẫn có nhiều người bức xúc vì một số học sinh giỏi, người tài ra nước ngoài học tập và làm việc và coi đó là chảy máu chất xám?. Tuy nhiên, nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc có cái nhìn và cách sử dụng những người tài gốc Trung Quốc ở nước ngoài rất tài tình. Thời gian ở nước ngoài giúp những người này được học tập ở môi trường chất lượng cao, được làm việc ở nhiều cơ sở hiện đại, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp. Còn khi điều kiện trong nước đã được đáp ứng thì Nhà nước có thể kêu gọi, tạo điều để họ có thể về nước làm việc, cống hiến. Đây cũng là điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu trong cuộc gặp mặt trí thức gốc Việt ở Mỹ trong tháng 9/2024.
Có lẽ, muốn những người tài, trí thức giỏi về nước cống hiến thì Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp, công ty, tổ chức trong nước phải tạo được việc làm phù hợp với khả năng của họ. Nghĩa là Nhà nước cùng các tổ chức trong nước phải có dự án lớn (kể cả dự án cần bí mật) như chế tạo máy bay chẳng hạn và tìm được tổng công trình sư tầm cỡ, kiểu như các công trình sư của Liên Xô trước đây để điều hành. Chỉ có dám làm dự án lớn với quyết tâm đầu tư lớn, cực lớn, dài hạn kiểu như đầu tư của Triều Tiên chế tạo tên lửa IBCM thì mới tập hợp được các chuyên gia giỏi, từng bước nghiên cứu các hạng mục, từ vật liệu, thiết kế, chế tạo,… hoàn thành các hạng mục sản phẩm và cuối cùng là có được sản phẩm ưng ý. Thật ra, Việt Nam chưa có được các tổng công trình sư như vậy nhưng chúng ta sẽ tìm kiếm đào tạo trong các môi trường phát triển khoa học công nghệ đang phát triển rực rỡ để tìm ra hướng đi trong tương lai. Trước hết, phải có những nhà lãnh đao, doanh nhân, doanh nghiệp dám dấn thân và được đầu tư, tự đầu tư cao như Tập đoàn VinGroup hay Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT,… thì những quyết tâm của Nhà nước trong sản xuất những sản phẩm mới, hiện đại sẽ sớm thu được kết quả. Thường thì nhiều quốc gia đầu tư nhiều vào quốc phòng, có thể là sản xuất vũ khí để có vũ khí hiện đại bảo vệ đất nước và qua đó nâng tầm công nghệ - kỹ thuật quốc gia và khi kết hợp với doanh nghiệp ngoài quân đội sẽ sản xuất được sản phẩm dân dụng tương ứng. Nếu công ty quân sự sản xuất được máy bay chiến đấu thì chỉ thời ngắn sau đó sẽ sản xuất được máy bay dân dụng. Chúng ta có thể mong đợi những sản phẩm cỡ như vậy do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với sự đóng góp của nhiều tài năng cả trong và ngoài nước.
Thật ra, cũng có nhiều người phản biện là chúng ta cần đầu tư nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất những sản phẩm chất lượng cao với khoản kinh phí lớn, thời gian dài hay mua sản phẩm có sẵn từ nước ngoài rẻ hơn. Đây là bài toán mà các chuyên gia kinh tế phải tính đến. Ví dụ như Việt Nam nên sản xuất các turbin gió phát điện để trang bị cho các nhà máy điện gió hay chỉ việc mua từ các công ty nước ngoài là đủ. Tại thời điểm này, chắc chắn chúng ta phải mua rồi, và khi ấy chúng ta sẽ rất bị động trong quá trình sử dụng, nhất là khi thiết bị trục trặc không có chuyên gia am hiểu cấu trúc turbin, không có sẵn phụ tùng thay thế nên phải mời chuyên gia của hãng chế tạo sang sửa chữa, duy tu, sẽ rất tốn kém về thời gian và kinh phí, cả kinh phí trả cho hãng cả chi phí do thiết bị ngừng hoạt động. Nếu như chúng ta có chủ trương nghiên cứu chế tạo turbin gió trong nước có nhà máy sản xuất hàng loạt thì sẽ tốn kém thời gian đầu nhưng khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần đưa điện gió (cả trên bờ và ngoài khơi) trở thành ngành sản xuất điện năng lượng tái tạo có tỷ trọng đáng kể trong hệ thống sản xuất điện và góp phần không nhỏ vào giảm phát thải ròng khí nhà kính, đạt NetZero vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Việt Nam ở COP26. Thật ra, chúng tôi được biết đã có nghiên cứu chế tạo turbin gió ở Đại học Bách Khoa và một vài cơ sở khác, đã có sản phẩm trưng bày nhưng chưa được tiếp tục nghiên cứu cao hơn để chuyển sang sản xuất thương mại. Nên chăng Nhà nước nên có dự án đầu tư lớn, kêu gọi các nhà khoa học chuyên ngành vào cuộc, kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc để sớm có cơ sở sản xuất turbin gió ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng trong thời gian tới. Tra cứu trên mạng chúng tôi được biết Tổng Công ty Ba Son, Công ty CS WIND VIETNAM CO.,LTD đang hợp tác với các công ty nước ngoài để sản xuất turbin gió nhưng đây chỉ là sản xuất ở quy mô doanh nghiệp, có thể chưa tính hết các điều kiện của Việt Nam. Tuy vây, đây có thể là khởi đầu cho những dự án lớn hơn và nếu trở thành dự án quốc gia thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Tương tự như vậy, việc đưa những nghiên cứu nâng cao hiệu quả pin năng lượng mặt trời đang được thực hiện ở một số trường đại học (như trường Đại học Phenikaa chẳng hạn) thành dự án lớn của nhà nước hướng tới sản xuất sản phẩm thương mại cũng cần được xem xét, quyết định thực hiện.
Qua phân tích ở trên có thể nhận thấy, để đào tạo được sản phẩm tốt có chất lượng cao phải chú trọng nghiên cứu cả hai bên cung và cầu trong nền kinh tế thị trường hoạt động tốt. Phía nguồn cung, các cơ sở đào tạo nghề phải bám sát thị trường lao động, lắng nghe ý kiến phản biện của bên cầu – các cơ sở sử dụng lao động để đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp nhu cầu thị trường. Mặt khác, bên cầu cũng phải tham gia vào quá trình đào tạo và luôn tạo ra những việc làm phù hợp những trình độ lao động hiện có. Đối với Nhà nước phải có những dự án nghiên cứu lớn, tầm cỡ quốc gia, có mục tiêu rõ ràng và đầu tư nguồn lực (có thể rất lớn) thực hiện (có thể trong thời gian dài). Qua đó tạo nhiều việc làm đòi hỏi lao động chất lượng cao, đòi hỏi tham gia của các nhân tài để sản xuất sản phẩm thương hiệu Việt Nam có chất lượng quốc tế. Có như vậy mới có khả năng kêu gọi người tài cả trong và ngoài nước chung tay thực hiện các dự án lớn, cực lớn, tầm cỡ quốc tế. Những thay đổi to lớn của đất nước thời kỳ đổi mới cho phép ta tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có công nghệ cao, theo kịp phát triển quốc tế trong một số lĩnh vực như sản xuất phần mềm, chip, công nghệ trí tuệ nhân tạo,…
Cũng qua phân tích trên, có thể rút ra những ý tưởng chính để xây dựng triết lý đào tạo nghề, đó là: đào tạo nghề nói chung và đào tạo đại học nói riêng phải gắn với nghề nào đó trong xã hội và sinh viên tốt nghiệp ra có thể bổ sung cho lực lượng lao động của ngành được học. Vậy nên, đào tạo đại học là đào tạo con người có đủ kỹ năng, kiến thức gia nhập lực lượng lao động của ngành được đào tạo.
Nếu theo triết lý này thì các trường đào tạo ra nhiều sinh viên giỏi, xuất sắc thì quá tốt nhưng phải hiểu đây mới chỉ là đánh giá từ phía trường đại học còn khi trở thành người lao động thì còn phải qua nhiều thử thách mới có thể trở thành người lao động giỏi. Hầu như có rất ít người mới ra trường đã gặt hái thành công lớn trong công việc mà phải qua lao động miệt mài, phải cùng các cộng sự giỏi nghiên cứu, thử nghiệm mới có được thành tích nổi tiếng toàn cầu. Lớp trẻ Việt Nam khi tiếp cận nền giáo dục đào tạo tiên tiến của Việt Nam và nước ngoài, khi được tham gia thực hiện những công trình nghiên cứu lớn, thực hiện những dự án tầm cỡ quốc gia, quốc tế thì chắc chắn sẽ đạt được những thành công mà cả Việt Nam đang mong đợi.
Theo cách đánh giá kết quả thu được của giáo dục phổ thông theo triết lý giáo dục phổ thông đã phân tích ở trên thì giáo dục phổ thông của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn xã hội và của ngành giáo dục. Muốn hay không, các phụ huynh đều khá hài lòng với việc dạy và học ở các trường từ mầm non đến cấp trung học cơ sở. Ở lứa tuổi nhỏ các cháu đã được tiếp cận với cách dạy gợi mở, với nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi được thiết kế tốt để các cháu vừa học vừa chơi vui vẻ, hạnh phúc khi đến lớp. Các cháu lớn hơn đã có các trường, điểm trường có cơ sở vật chất rất tốt, nhiều trường có sân chơi thể thao, nhà tập luyện, có câu lạc bộ hoặc nhóm sinh hoạt văn nghệ, nhóm học nâng cao,… giúp các em có sở thích, có năng khiếu phát huy được năng lực của mình. Mạng truyền thông đã cho chúng ta thấy tài năng của nhiều em nhỏ trên nhiều lĩnh vực kiến thức khá đa dạng và đáng tự hào. Xã hội cũng thấy an lòng khi chi trả số tiền lớn, thậm chí rất lớn (khi cho con học trường tư thục, quốc tế) nhưng thành quả thu được là các con được hưởng nền giáo dục tiến bộ và trưởng thành. Đáng đồng tiền bát gạo đầu tư. Các em học sinh trung học phổ thông của Việt Nam hiện nay là tuổi trẻ rất triển vọng, được đào tạo khá bài bản, có đầy đủ cơ sở để phát triển toàn diện cả Đức, Trí, Thể, Mỹ. Ở gia đình, nhiều em có đàn Organ, thậm chí có đàn Piano đắt tiền, điều ngày xưa một ca sỹ (mà tôi quen) trong Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam chưa có. Ở nhiều trường học có cả dàn nhạc khá chuẩn để các em tham gia tập luyện, chơi; có phòng tập thể thao trong nhà, sân bóng ngoài trời,… chỉ nhìn thôi là lứa người già chúng tôi đã ao ước từ lâu. Nhiều trường phổ thông trung học đã có những phòng thí nghiệm để Thầy và Trò có thể thực hành các môn học và làm những đề tài nghiên cứu từ đơn giản đến phức tạp. Những giải thưởng thể thao, ca nhạc, nghệ thuật, giải học sinh giỏi các cấp là minh chứng cho sự đầu tư cao của xã hội và sự cố gắng của những người làm giáo dục chuyên trách. Tất nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều hạn chế nhưng có thể thấy cách tiếp cận giáo dục phổ thông với triết lý giáo dục hiện đại đã thu được kết quả tốt và cần tiếp tục thực hiện.
Riêng đối với đào tạo nghề (ở các trường nghề, trường cao đẳng, đại học,…) thì có vẻ như triết lý giáo dục mới chưa được nghiên cứu đầy đủ nên kết quả còn nhiều hạn chế. Có lẽ, hơn ai hết ngành giáo dục phải đi đầu trong nghiên cứu về cung và cầu trong thị trường lao động. Chỉ khi chúng ta xác định dược lượng cung, lượng cầu lao động của một ngành nghề thì mới ước tính được lượng sinh viên cần đào tạo cân đối với lượng tiếp nhận, tuyển dụng của xã hội nói chung và từng cơ sở tuyển dụng nói riêng. Mặt khác, nghiên cứu, tiếp cận với bên cầu, nguồn cầu lao động, các cơ sở đào sẽ có được đánh giá rõ nét về chất lượng đào tạo. Theo chúng tôi, đây là điểm hạn chế hiện nay cần sớm khắc phục. Những bức xúc khi đào tạo các Tiến sỹ (bậc cao nhất trong học thuật) vừa qua có phần liên quan đến việc nguồn đào tạo chưa nhắm vào nguồn tiếp nhận.
Lời cảm ơn: Người viết bài này xin chân thành cảm ơn GS. TSKH Trần Văn Nhung, đã đọc, chỉnh sửa và góp những ý kiến rất bổ ích, giúp hoàn thiện bài viết.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam